Một làn sóng mới đang trỗi dậy trên văn đàn

 

Trong thời gian gần đây trên thị trường sách liên tiếp xuất hiện hàng loạt tác phẩm của các tác giả trẻ gây xôn xao dư luận. Hầu hết những tác phẩm này đều được viết với văn phong giản dị, trong sáng và tập trung khai thác vào nhu cầu giải trí của độc giả. Chúng ta có thể kể tới Cấn Vân Khánh, Phan An, Trần Thu Trang, Di Li, Phan Anh, Đặng Thiều Quang, Phan Hồn Nhiên, Vũ Quỳnh Hương…Có nhà phê bình đã gọi đó là một làn sóng mới đang hình thành. Đấy là làn sóng tương tự như dòng văn học tình cảm đô thị đang rất thịnh hành ở Trung Quốc. Có người còn gọi đó là xu hướng bình dân hóa văn chương. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với các tác giả Di Li, Cấn Vân Khánh và Phan Anh.

 

Văn chương phải mang hơi thở cuộc sống.

 

Trước tình trạng ra sách nhiều như hiện nay của các cây bút trẻ mà mình là một trong số đó, anh/chị nghĩ thế nào về sự xuất hiện của mình? Độc giả có thể trông đợi điều gì từ tác phẩm của anh/chị?
Di Li:
Sách của tôi rất dễ nhận dạng trên thị trường sách hiện nay vì nó là thể loại ít người viết, vì vậy tôi cũng mong muốn được đóng góp thêm một “món ăn” mới lạ tới công chúng
Phan Anh: Phải nói là hiện nay có khá nhiều cây bút trẻ, họ có cái nhìn mới, lạ, và khá “độc” về cuộc sống, hơn nữa, họ rất giỏi. Tự bản thân tôi thấy rằng mình cũng chưa có gì quá nổi bật, và cần học hỏi thêm nhiều. Hi vọng độc giả sẽ tìm thấy một điều gì đó mới, và “đáng để đọc” trong cuốn sách của tôi. Ở đó có một tình bạn đẹp, một tình yêu mãnh liệt, và hơn ai hết, thấm đẫm tính nhân văn.

 

Anh/ chị có thể bật mí đôi điều về quan niệm sáng tác của mình? Anh/chị có nhận xét gì về sự xuất hiện ồ ạt của thể loại truyện ngắn gần đây?
Di Li
: Tôi cho rằng tác phẩm dù là thể loại nào cũng nên phải hấp dẫn. Gần đây có rất nhiều tác phẩm mới ra lò và nhiều tên tuổi được định vị trên thị trường sách cũng như trong làng văn học, song cũng nhiều cái tên bị chìm lấp. Đó cũng là quy luật đào thải tất yếu
Phan Anh: Với tôi, mỗi truyện ngắn là một khoảng lặng, tôi viết dựa quá nhiều vào cảm xúc cá nhân, vì thế truyện ngắn hay tiểu thuyết của tôi có đôi chút tự sự và mang tính cá nhân. Nói rằng truyện ngắn xuất hiện ồ ạt gần đây cũng không đúng lắm, tôi nghĩ dòng văn học mạng là một cái gì đó khá lý thú. Nhưng để mọi người nhớ đến bạn, bạn phải có một điều gì đó thực sự đặc biệt, dòng văn học mạng hiện giờ, tôi nghĩ khá “mỳ ăn liền”
Cấn Vân Khánh: Tôi viết về những điều mà mình cảm nhận độc giả đang cần và hợp với tạng của mình. Trên thực tế thì đang có một làn sóng mới đang trỗi dậy trên văn đàn.

 

Anh/chị nghĩ gì về cái gọi là “đời sống” khúc xạ trong tác phẩm văn học? Nói cụ thể hơn, đời sống thực có vai trò gì với sáng tác của anh/chị? Quan niệm của anh chị về “cách kể chuyện”?
Di Li:
Tôi chưa bao giờ đưa bất kỳ chi tiết thực nào vào tác phẩm. Tuy nhiên, đời sống thực chạy qua mắt tôi rồi xâm nhập vô thức vào trong óc và một ngày nào đó xuất hiện dưới một dạng thức khác trong tác phẩm. Vì vậy tôi cho rằng một nhà văn càng có nhiều thực tế càng tốt, song đó chỉ là điều kiện cần, bởi vì cũng có rất nhiều người có thực tế đấy thôi nhưng họ chỉ “nhập” mà không “xuất” được
Phan Anh: Đó như là nguyên liệu, bạn muốn có một món ăn ngon, bạn phải có nguyên liệu tốt. Càng có nhiều hiểu biết đời sống, bạn càng có nhiều “lựa chọn” cho nhân vật của mình. Cũng có vài bài báo gọi tôi là “nhà văn trẻ” nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi không phải là nhà văn vì tôi có sáng tác, sáng tạo gì mấy đâu? Tôi chỉ đơn giản là “người kể chuyện” mà thôi. Tôi kể lại những gì mà tôi đã cảm nhận, đã nghe thấy, đã nhìn thấy. Do đó, tôi nghĩ, tôi viết là tôi đang kể chuyện, lối kể của bạn rất quan trọng, nội dung hay, chi tiết tốt mà cách kể chuyện cũ, hoặc không sáng tạo thì cũng khó mà thành công
Cấn Vân Khánh: Độc giả vẫn viết mail nói rằng truyện của tôi viết thực quá khiến họ sợ. Tôi viết theo những trải nghiệm và quan sát của tôi và dĩ nhiên đời sống thực là nguyên liệu cần phải có và căn bản cho việc sáng tác của tôi. Tôi muốn truyện của tôi mang hơi thở cuộc sống và phản ánh cuộc sống một cách chân thực.

 

Vĩnh viễn văn học mạng không thay thế được văn học truyền thống

 

Tác phẩm của anh/chị lần đầu xuất hiện trên mạng hay trên báo giấy? Anh/chị suy nghĩ gì về việc in sách? Có người nói đến sự thất thế của báo giấy, sự lên ngôi của báo mạng nhưng bây giờ hình như vị trí đó phải giành cho việc ra sách? Sự xuất hiện như vậy có phải là một dấu hiệu đáng kể của ý thức xuất bản và ý thức văn học Việt Nam đương đại không?
Di Li:
Các tác phẩm truyện ngắn của tôi đều đã được in báo trước khi in sách, rồi sau khi in sách tôi post hết lên mạng cho độc giả cùng đọc. Còn tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” được sáng tác trên mạng trước rồi mới in thành sách. Tôi vẫn cho rằng in sách là quan trọng, không phải vì nó chứng tỏ điều gì mà bởi độc giả vẫn thích đọc sách giấy hơn, vạn bất đắc dĩ mới phải đọc mạng mà thôi. Có tác phẩm nào hay lắm thì họ mới download từ trên mạng rồi cũng in ra giấy xong mới đọc. Đọc trên mạng rất nhức mắt, tư thế đọc bị hạn chế. Nhiều người dự đoán rằng trong tương lai, sách điện tử sẽ thay thế sách giấy, còn tôi cho rằng vĩnh viễn không thể xảy ra điều đó, cũng như người ta không thể chế ra các viên dinh dưỡng để thay thế thức ăn. Ẩm thực có một cái thú riêng của nó, cũng như sách giấy có một thi vị riêng vậy.
Phan Anh: Ngày xưa tôi viết cho báo Hoa Học Trò, bây giờ tôi viết cho Kenh14.vn, một tờ báo mạng, nhưng tôi không quan trọng lắm tác phẩm của mình đến với độc giả bằng cách nào? Báo giấy hay báo mạng thì cũng thế cả thôi. Cái quan trọng là họ có nhớ được gì khi đọc văn của mình hay không? Chỉ cần ai đó vô tình đọc được một mẩu truyện ngắn không đầy đủ nào đó và tự hỏi: Hình như đây là truyện của Phan Anh? Vậy là đủ rồi. Báo mạng có lợi thế là nhanh, nhiều thông tin và… rẻ tiền hơn báo giấy. Nhưng báo giấy cũng có điểm mạnh riêng của mình. Tôi cũng đồng ý rằng hiện nay xuất bản một cuốn sách khá đơn giản, nhưng không có nghĩa rằng dễ dàng, vì một cuốn sách xuất bản kém chất lượng sẽ giết chết chính nhà xuất bản đã “sinh” ra nó. Cá nhân tôi cho rằng nên khắt khe thì tốt hơn…
Cấn Vân Khánh: Tôi in truyện từ năm 16 tuổi trên báo giấy, dĩ nhiên rồi vì khi ấy ở Việt Nam chưa có báo mạng.

 

Văn học cũng như hàng hóa, phải quan tâm đến nhu cầu độc giả.

 

Anh/chị quan niệm thế nào về bản năng và ý thức của một người viết? Có một “tiếng gọi” nào thôi thúc anh/chị viết chăng?
Di Li:
Tôi chẳng có “tiếng gọi” nào. Tôi viết mới đầu vì sở thích. Sau những sản phẩm của sở thích ấy được công chúng đón nhận và tôi tập trung vào viết hơn như một nhà văn chuyên nghiệp. Đơn giản vậy thôi
Phan Anh: Như tôi đã từng nói, tôi viết khá bản năng, và ngẫu hứng. Khi tôi viết “Bởi vì ta thuộc về nhau” tôi đã thực sự sống trong chính cuộc sống của nhân vật trong một thời gian khá dài. Và với tôi, đam mê khám phá bản thân chính là “tiếng gọi” cứ thôi thúc tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm này

Về truyền thống và hiện đại, anh/chị nghĩ sao? Anh chị có nghĩ mình là  những nhà văn tiên phong của dòng văn học bình dân không?
Cấn Vân Khánh:
Tôi chưa bao giờ và có lẽ cũng không đủ tầm để bắt đầu những bước đi tiên phong một trào lưu văn học nào đó, tự tôi thấy văn tôi viết nhẹ nhàng, phù hợp với độc giả bình dân.
Phan Anh: Thế nào là nhà văn tiên phong? Thế nào là văn học bình dân? Có phải văn học có nhiều độc giả,  đề cập đến những chuyện thường ngày của cuộc sống thì được gọi là văn học bình dân.Thật ra thì tôi chưa thấy Văn học Việt Nam sản sinh ra một nhà văn nào thực sự “phá cách” và nổi trội. Những nhà văn gạo cội của chúng ta là những người rất giỏi nhưng thường viết thiên về hiện thực, mà tư duy đọc của độc giả trẻ hiện nay thay đổi cực kỳ nhanh chóng, và thường hướng tới dòng văn học giải trí, nhẹ nhàng. Tôi có phải nhà văn tiên phong gì đó không, tôi xin phép không trả lời, hãy dành câu hỏi đó cho độc giả.
Di Li: Tôi đang theo đuổi một thể loại văn học ít người theo ở Việt Nam, như vậy không biết có phải là tiên phong không? Mà tại sao lại phân biệt văn học bình dân. Vậy có dòng văn học đặc sản không?

 

Sự xuất hiện của một người viết kèm theo một định danh và “trách nhiệm” với cái tên của mình. Anh/Chị có ý định theo đuổi văn học lâu dài hay không, hay đó chỉ là một cuộc chơi?
Cấn Vân Khánh
: Rõ ràng tôi phải có trách nhiệm với cái tên mình, khi nó đã may mắn sống trong lòng của một lớp độc giả yêu văn học trẻ nào đó. Tôi đã xuất bản bốn tập truyện ngắn và đó hoàn toàn là một công việc nghiêm túc
Di Li: Tôi hy vọng mỗi năm sẽ cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Chừng nào còn “đánh máy” được thì chừng đó tôi còn cho ra đời tác phẩm
Phan Anh: Với tôi, văn là một cuộc chơi, một cách khám phá bản thân. Tôi học Y, từng làm y, từng làm kinh doanh, (thậm chí làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty dược), làm báo, làm truyền hình đủ cả… Mỗi công việc đều có những thú vị riêng và đó là cách để tôi khám phá khả năng của bản thân. Tôi nghĩ tôi sẽ vẫn dạo chơi với văn học, nhưng không hi vọng rằng cái tên Phan Anh sẽ được nhắc đến như là một nhà văn nổi tiếng hay gì đó đại loại thế.

 

Hiện nay anh/chị đọc gì, có kế hoạch gì cho sáng tác ? Anh /chị có nghĩ mình có vai trò gì đó với chuyển động của văn học hôm nay?
Cấn Vân Khánh
: Tôi đang đọc tiểu thuyết “Những ngọn nến cháy tàn” của tác giả Marai Sandor người Hungary do một người bạn gửi tặng. Thật là một ý nghĩ tuyệt vời nếu nghĩ mình có vai trò gì đó với chuyển động của văn học hôm nay nhưng tôi thấy mình chưa gánh nổi vai trò đó. Sự xuất hiện của tôi chỉ được bạn đọc biết đến trong giới hạn nào đó mà bởi vậy tôi cần phải cố gắng hơn nữa.
Phan Anh:    Tôi thường ít đọc văn học Việt Nam, mà đọc nhiều của văn học thế giới. Tôi thích Marc Levy, J.M Coetzee, O. Henry… Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết nữa về tình yêu của giới trẻ, nhưng để nói bao giờ hoàn thành thì… tôi không biết. Vì công việc của tôi khá bận và tôi viết dựa khá nhiều vào cảm hứng, nhưng hi vọng là sẽ sớm thôi. Tôi không nghĩ mình có đóng góp to lớn gì vào chuyển động của văn học, một hạt cát trên bãi biển thì liệu có thể ngăn được con sóng nào không?

 

Anh/chị  nghĩ thế nào về vai trò của các nhà xuất bản trong việc thúc đẩy chuyển động của văn học Việt Nam? Anh/chị có thấy các nhà xuất bản chạy theo dòng sách thị trường quá không?
Di Li:
Tôi cho rằng các nhà xuất bản hiện nay cũng khá khắt khe trong việc chọn lựa đầu sách. Còn tất nhiên, để thu lợi nhuận, họ vẫn buộc phải xuất bản những cuốn sách thương mại. Song theo tôi sách thương mại và giải trí không có gì xấu, nó đáp ứng một bộ phận độc giả nhất định. Không thể ép buộc những người có tri thức thấp phải đọc một cuốn sách triết lý cao siêu được. Nếu như thị trường sách toàn những cuốn như vậy thì một bộ phận độc giả sẽ không có gì để đọc. Đừng mong chờ rằng sách được giải Nobel sẽ định hướng cho người đọc. Sẽ không bao giờ xảy ra điều đó với một số độc giả
Cấn Vân Khánh: Vai trò của các nhà xuất bản là quan trọng nhưng sự xuất hiện và nâng đỡ các cây bút trẻ của các công ty sách và các nhà sách cũng rất quan trọng . Tôi luôn cảm ơn công ty sách Bách Việt đã phát hiện và in ấn cho tôi từ những cuốn sách đầu tiên.
Phan Anh: Quan trọng chứ! Họ đóng vai trò rất quan trọng với văn học, họ tìm ra những tác giả mới, họ đưa tới độc giả những tác phẩm hay, và quan trọng hơn, họ có thể góp phần định hướng văn hoá đọc của độc giả.


Thiên Anh