Tôi sẽ viết kịch bản phim

 

NXB Kim đồng

 

Sau khi nhận giải tại cuộc thi truyện ngắn 2006 của tạp chí Văn nghệ Quân đội với loạt truyện được ban giám khảo đánh giá cao, Di Li đã "trình làng" tập truyện ngắn "Tầng thứ nhất" (NXB Hội nhà văn và Cty Đông A hợp tác). Di Li là một trong số ít những tác giả ở Việt Nam đi sâu vào thể loại truyện kinh dị...

 

Bắt đầu truyện "Tầng thứ nhất", mục lục tập truyện ngắn của chị kết thúc bằng "Quà tặng cuối cùng". Dường như chị có dụng ý sắp xếp theo mạch cho 16 truyện ngắn của mình?
Đúng là các truyện được tôi sắp xếp theo chủ ý. Vì trong đó có nhiều truyện mà độc giả bảo đọc hợi "nặng đầu", như truyện kinh dị chẳng hạn, thì tôi xếp xen kẽ với những chuyện hài hước để "giảm tải" bớt, hoàn toàn không phải sắp xếp theo số thứ tự của tên truyện. Nếu vậy chẳng hóa ra cái truyện cuối cùng có hàm ý rất xui xẻo, rằng đó là món quà cuối cùng mà tôi tặng bạn đọc, rằng tôi chẳng viết thêm được cái nào nữa. Trong khi tôi còn một tập truyện để ở nhà xuất bản và sẽ ra mắt vào tháng sau.
 
Đọc truyện của chị thấy có vẻ viết... dễ, mạch kể lôi cuốn, chi tiết hóm hỉnh. Nghề giáo, đam mê xê dịch, lợi thế tiếp cận thông tin từ một người có thể sử dụng cả 5 ngôn ngữ, khả năng quan sát, tổng hợp của một nhà báo. Theo chị, những yếu tố trên phân bổ thế nào trong công việc tác động tới văn phong truyện ngắn của Di Li?
Hiện nay tôi đang hoạt động trên lĩnh vực thương mại, giáo dục và báo chí. Cả ba công việc này đều được tôi phân bổ thời gian, công sức và niềm đam mê ngang nhau. Tất nhiên đó là một lợi thế cho sáng tác, khi tôi có cơ hội tiếp cận với những nguồn tư liệu sống tuyệt vời, những bối cảnh, những con người đương đại. Người ta đọc truyện ngắn của tôi hay nhận xét một câu rất "ngộ nghĩnh" là truyện của tôi nhiều... thông tin. Mặc dù không hề vác văn phong báo chí vào sáng tác nhưng quả thực tôi luôn cập nhật những vấn đề xã hội trong đó, chứ không thiên về cảm xúc cá nhân. Tôi thích những tác phẩm mà khi đọc người ta nhận ra ngay giai đoạn lịch sử mà qua đấy không ít thì nhiều sẽ thu lại được một vài kiến thức trên lĩnh vực nào đó. Tất nhiên, sẽ phải trên phương diện văn học và nghệ thuật, chứ không phải theo kênh "phổ biến kiến thức".
 
Nhiều người nói rằng sex và tình ái luôn là yếu tố để thu hút người đọc. Truyện của chị lại không hề có sex. Chị có cho rằng sách của chị sẽ bán chạy khi thiếu đi một thứ được coi là rất thời thượng của văn trẻ?
Điều đó hoàn toàn đúng, nếu như người viết chủ trương khai thác nó song phải hết sức "cao tay" để nhồi nặn một cách hợp lý. Nhiều lúc tôi cũng chủ tâm định "nhồi" cái "yếu tố ăn khách" này vào trong tác phẩm mà không biết "nhét" vào đâu vì nhân vật và bối cảnh nhất định không cần đến nó. Thực ra một số truyện ngắn của tôi cũng đề cập đến ở vài chi tiết, nhưng tôi như một nhà quay phim bảo thủ, cứ hễ quay đến một cách cụ thể nào đó là lại tìm cách lia ống kính máy quay lên ngọn cây hay đôi dép dưới gầm giường. (cười). Tôi ưa thủ pháp liên tưởng chứ không tả chân thực. Cũng hy vọng rằng, những chuyện không có "yếu tố ăn khách" của tôi vẫn sẽ đọc được. 
 
Trong văn chương, chị có thần tượng? Tác giả nào là người chị chịu ảnh hưởng?
Thú thật là tôi rất sợ hãi từ "chịu ảnh hưởng" vì khi nói ra cái người mình chịu ảnh hưởng, tôi luôn có cảm giác mình là chú bé tí hon bên cạnh những người khổng lồ. Còn thần tượng văn chương thì tôi nghĩ người  cầm bút nào cũng có. Tôi yêu quý Azit Nesin và luôn "săn lùng" mọi tác phẩm của ông. Nhìn chung, tôi thích những nhà văn hài hước. Vì sau những câu chữ cố tình làm ra vẻ ngây thơ, ngờ nghệch và bàng quan với thời đại là cả một bộ óc thông minh, tài quan sát và lòng nhân ái của người viết.
 
Vậy những cây bút trẻ thì sao? Sau khi dự Đại hội những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 chắc chị "kết" thêm nhiều bạn lắm nhỉ?
À, chỉ một hai người thôi. Tôi rất khó tính trong việc kết bạn. Nhưng tôi ngờ rằng câu hỏi của anh tập trung vào một vấn đề khác. Là một chủ đề rất hot mà báo chí hay nhắc đến các cây bút trẻ hiện nay. Tôi xin phép miễn bình luận về chủ đề này. Tôi quan niệm rằng, mỗi người là một cá thể. 83 triệu dân là 83 triệu cá thể không ai giống ai. và thật tuyệt vời khi tất cả các cá thể khác nhau, dù tốt dù xấu, sẽ hình thành nên một xã hội nhiều tầng, nhiều lớp. Nếu chúng ta ép buộc tất cả mọi người đều phải giống mình thì sẽ rất giống một bộ phim nói về sinh sản vô tính mà tôi đã từng xem.
 
Cứ nghĩ sêri truyện kinh dị "Vong hồn trên những cánh đồng chết" đăng trên báo Gia đình & Xã hội cuối tuần là sản phẩm từ trí tưởng tượng của một tác giả xinh đẹp và có vẻ "biết tuốt" như chị lại thấy hơi ngài ngại. Vì sao chị lại dấn thân vào đề tài hóc búa này?
Tôi viết truyện kinh dị, không chỉ mình anh thấy "ngài ngại" mà chính tôi cũng cảm thấy ngại khi một thân một mình đi trên con đường rộng mà ngó xung quanh thấy vắng người qua lại. Còn ngại hơn khi mà ai cũng bảo tôi sẽ khó mà thành công với thể loại này.  Rất may tôi sẵn có một niềm đam mê. Truyện và phim kinh dị luôn kích thích tôi.
 
Viết kịch bản, sáng tác tiểu thuyết hay làm thơ...? Chị dự định chen vào lĩnh vực nào đây?
Phải nói ngay rằng tôi chưa bao giờ làm một câu thơ nào và chắc chắn sau này cũng sẽ không bao giờ sáng tác thơ. Tôi có nhiều người bạn thân là nhà thơ. Tôi quý con người họ rồi thành ra quý thơ họ, nên chắc họ không thấy làm phiền về thái độ cực đoan đối với thơ của tôi. Còn về kịch bản thì hiện nay cũng đang có một số hãng phim mời tôi cộng tác và tôi cũng sẽ viết kịch bản phim. Hiện tôi đã viết được những phần đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị với tựa đề "Trang trại".

Hoàng Ngọc Châu (Thực hiện)