Truyện trinh thám mang đậm hồn Việt
Cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị Trại Hoa Đỏ lôi cuốn bạn đọc qua 35 chương, lý giải sâu xa những câu hỏi: con người là ai, thủ phạm hay nạn nhân, là gì giữa những bề sáng tối, tốt xấu, yêu thương và thù hận… với cách xử lý tình huống không hề lai căng mà rất Việt. Trên nền đề tài vĩnh cửu của văn học: chống lại cái xấu – cái ác, Di Li tìm được hướng đi mới, tránh sự nhàm chán cho người đọc bằng cách lựa chọn thể loại trinh thám kinh dị.
TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, cách khám phá đề tài của cây bút trẻ Di Li mở ra một hướng khai thác, khi các sáng tác của nhiều nhà văn hiện nay đang “nhạt như nước ốc”.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “truyện kinh dị hay trinh thám phải đánh lừa được người đọc”. Ở Trại Hoa Đỏ, Di Li thành công vì dẫn dụ được người đọc vào các mối nghi hoặc. Đôi khi độc giả tưởng tim ra manh mối, kết luận thủ phạm là ai giữa những Ráy, A Cách, Sương, Diên Vĩ… nhưng câu trả lời thỏa đáng cuối cùng chỉ được mở ra sau khi đi qua hết hơn 400 trang sách.
Trại Hoa Đỏ có kết cấu chặt chẽ, gọn gàng như một truyện ngắn. Đặc biệt hơn, mỗi chương cũng tựa như một truyện ngắn, với kết thúc mở để người đọc mong ngóng lật trang sau. Cách tạo tình huống và các cao trào thắt nút, mở nút của tác phẩm cũng được nhà văn trẻ này xây dựng hợp lý và kết quả là Trại Hoa Đỏ dựng lên một không gian xuyên thấm giữa thực và ảo. Nói như nhà văn Trần Thanh Hà thì “tác phẩm không có chỗ nào sơ hở”. Lời nguyền của dòng họ Quách, những xác chết không rõ nguyên nhân và một sự thật sau toàn bộ câu chuyện đã lý giải phần nào về căn nguyên tội ác. Cái ác, cái xấu không phải do con người sinh ra ở đâu, có hoàn cảnh sống thế nào, mà tồn tại trong mỗi con người với những tham, sân, si và họ phải tự đấu tranh để vượt qua chính nó.
Với những biểu trưng nghệ thuật như người hình nộm, trại hoa đỏ và những hồn ma…, Di Li tạo ra một thế giới tâm linh vừa huyền bí vừa hiện thực. Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng “Đây là sự vượt trội của một thế hệ viết mới”.
Kim Sen