2/3 SỐ TRUYỆN CỦA TÔI LÀ ĐƠN ĐẶT HÀNG
Trong khi nhiều nhà văn trẻ hiện nay theo đuổi những đề tài nóng như sex, đồng tính thì một mình Di Li đi con đường riêng: Trinh thám kinh dị. Riêng việc tìm kiếm độc giả ban đầu đã khó bởi quan niệm: Chỉ có trinh thám kinh dị nước ngoài mới đọc được, còn truyện Việt Nam thì đọc hết chương I đã đoán được chương cuối cùng. Song với giọng văn rất “Tây” đã tạo cho Di Li một phong cách riêng cuốn hút, từ “Tầng thứ nhất” đến “Điệu valse địa ngục” và giờ là “Trại Hoa Đỏ” đều rất ly kỳ, ám ảnh và... nữ tính...
“2/3 số truyện của tôi là đơn đặt hàng
Người viết theo đặt hàng có bị chi phối cảm xúc chân thực?
Nhiều người cho rằng viết văn là phải theo cảm hứng, tôi lại không nghĩ thế. Người sáng tác chuyên nghiệp thì không nên theo cảm hứng. Tôi thích câu nói của Stephen King: “Chỉ những nhà văn nghiệp dư mới viết theo cảm hứng”. Các nhà văn chuyên nghiệp nước ngoài họ có thói quen ngồi vào bàn viết hằng ngày đều đặn như một công chức. Nhà văn Pháp Marc Levy vừa sang Việt Nam cũng nói ông viết 17-18 tiếng/ngày. Viết văn cũng là một công việc, nên không thể chờ cảm hứng được. Cứ viết thì sẽ có cảm hứng thôi, không viết thì chả biết bao giờ cảm hứng mới đến. Hơn thế nữa, đơn đặt hàng không phải là mục đích viết của nhà văn mà là động lực để nhà văn sáng tác và sáng tác hay.
Những tác phẩm mang tính thương mại thường ít khi được các nhà phê bình đánh giá cao. Nếu phải chọn lựa giữa độc giả và các nhà phê bình, chị chọn ai?
Người Việt Nam mình phân biệt rất rạch ròi hai tính nghệ thuật và thương mại với quan điểm: Đã là nghệ thuật thì không thể thương mại và ngược lại. Nhưng thực tế rất nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel (đỉnh cao về nghệ thuật) đồng thời cũng là những tác phẩm ăn khách nhất. Có nhà văn tuyên bố tôi chỉ cần độc giả. Nhà văn khác lại tuyên bố: Tôi không cần độc giả, tác phẩm của tôi không dành cho số đông. Tôi thì khác, tôi luôn cố gắng đạt được cả hai mục tiêu.
Việc cứ “nhả” từng chương của “Trại Hoa Đỏ” mỗi tuần một lần trên blog có phải là cách câu khách của một người làm PR chuyên nghiệp như chị?
Lý do chính là vì tôi không có thời gian để viết nên mỗi tuần chỉ viết được 1 chương. Nhưng để bạn đọc không chán và có thể kiên nhẫn đồng hành với “Trại hoa đỏ” dài hơi suốt gần 1 năm trời thì tôi đã phải sử dụng nhiều cách, trong đó có việc chau chuốt kỹ từng entry và luôn đẩy kịch tính trong mỗi chương lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên nếu đặt toàn bộ 33 chương trong một tổng thể và đọc liền mạch thì tôi cũng e là hơi “nặng ký” .
Nhà văn không phải muốn viết cái gì cũng được
Khi bắt tay vào viết “Trại hoa đỏ”, chị có sợ mình thất bại khi không có bất kỳ một kiến thức chuyên môn về hình sự?
Nhiều người khuyên tôi không nên viết. Một anh bạn công an của tôi còn bảo “em hiểu gì về hình sự mà viết”. Nhưng giờ khi “Trại hoa đỏ” đã hoàn thành, tôi chưa nhận được sự phản hồi nào về những sai sót nghiệp vụ. Dù truyện của tôi hoàn toàn là tưởng tượng và hư cấu nhưng tôi không dám viết bừa. Một chi tiết nhỏ nhất liên quan đến đến giám định ADN, tôi cũng phải đọc không biết bao nhiêu tài liệu liên quan xem người ta phải lấy mẫu xương nào, mất bao nhiêu thời gian để xét nghiệm... Bên cạnh đó là rất nhiều tài liệu về giám định pháp y, các chất độc gây chết người...
Sao chị không chọn một đề tài nào khác, như sex chẳng hạn?
Nhà văn không phải muốn viết cái gì cũng được. Nhìn bạn bè viết, nhiều lúc cũng “đua đòi” muốn viết về sex lắm nhưng không viết nổi. Ví như trong “Trại Hoa Đỏ”, tôi đã chủ định sắp xếp cho cảnh sát hình sự Phạm Đăng Bách mua chuộc Mai Thanh bằng sex để lấy tin. Nhưng cuối cùng thì thất bại (đành để cho hai người uống cà phê rồi ra về) vì không biết phải tả như thế nào.
Viết truyện kinh dị, chị có sợ người ta sẽ nhìn mình bằng con mắt khác e dè hơn vì bị ám ảnh bởi những gì chị viết ra?
Có thể sẽ có người tưởng tượng thế nhưng khi gặp tôi rồi họ sẽ thấy tôi là một người hoàn toàn bình thường và không đáng sợ (cười). Tuy nhiên tôi có một vài thói quen hơi lập dị như luôn gửi chìa khóa nhà cho hai người khác nhau: Một người giữ chìa khóa ngoài, một người giữ chìa khóa trong theo nguyên tắc hai người chung một bí mật kho báu, không thể tìm được kho báu nếu thiếu nửa tấm bản đồ còn lại.
“Trại Hoa Đỏ” - cái tên không đủ hấp dẫn để câu khách, sao chị không đặt cho nó một cái tên khác ma mị hơn?
Phải thú nhận rằng tôi rất kém cỏi trong việc đặt tít, không chỉ những tác phẩm văn học, mà ngay khi viết báo có 100 bài báo thì 99 bài tôi bị thay tít. Ngay cả tên cuốn tiểu thuyết này cũng là do bạn đọc đặt hộ đấy.
Chị có định bỏ hết các nghề khác, bỏ dạy học, bỏ viết báo, bỏ kinh doanh để tập trung viết văn với tốc độ ăn khách như hiện nay?
Đã có những lúc công việc kinh doanh căng thẳng quá, tôi quyết định xin nghỉ để tập trung cho viết lách. Nghỉ rồi, đi chơi vài ngày xả stress rồi và ngồi vào bàn viết mà không thể viết nổi một cái gì cả. Thế là lại phải đi làm lại để thông ngòi bút.
Hoàng Hồng (Thực hiện)