SỐNG Ở PHỐ

An ninh Thủ đô

Cuộc trò chuyện tháng 8, vừa được tổ chức tại Hội đồng Anh ở 40 Cát Linh với tiêu đề “Sống ở phố” có sự tham gia của 5 diễn giả: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nhà văn Di Li, nhà làm phim Phan Đăng Di và nghệ sĩ người Anh Barnaby Steel, đã đặt ra một cái nhìn thú vị về đời sống vật chất, tinh thần của người dân đô thị, và giá trị văn hóa trong đời sống thành phố. Đồng thời, cũng đặt ra mối quan tâm về sự giao thoa văn hóa làng-phố, nông thôn-đô thị, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng. Có thể mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau về lối sống ở phố, và cách nhìn của bạn không giống với cách nhìn của những diễn giả nhưng chúng tôi cũng giới thiệu cùng bạn đọc để xem họ cảm nhận về phố như thế nào?

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Hơn một thế kỷ rồi, từ bài thơ “Sông lấp” của Tú Xương đến nay chúng ta vẫn đang trong quá trình đô thị hóa. Còn rất nhiều điều chúng ta chưa làm được, dù đã rất cố gắng đưa ra một quy chuẩn văn minh đô thị. Vấn đề đang băn khoăn nhất là mối giao thoa giữa văn hóa làng - phố, văn hóa quê - đô thị. Tôi vẫn nhớ lời bình của Hoài Thanh, Hoài Chân trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”: “Trong mỗi người Việt Nam đều có một người nhà quê”. Vấn đề gay gắt nhất hiện nay là làm sao để hình thành một nếp sống đô thị. Câu hỏi đặt ra là: Thành phố trong cảm nhận của mỗi quý vị như thế nào?

 

Nhà làm phim Phan Đăng Di: Sự thật thì Hà Nội luôn có nét quyến rũ của riêng nó. Đối với tôi, đó là sự chật chội. Sự chật chội chính là khởi nguồn tạo ra sự cạnh tranh, tạo ra sức sống mãnh liệt và làm thành một dòng chảy riêng qua những con đường nhỏ hẹp của Hà Nội cũ.


Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Hà Nội có rất nhiều phố, là một sự tổng hợp của những con phố, điều đó là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển mình từ “làng” lên “thành phố” của Hà Nội. Quá trình này đã diễn ra từ rất lâu và đến tận bây giờ vẫn đang tiếp diễn, và tôi có thể nói đô thị Việt Nam đang chuyển hóa rất chậm chạp. Bản thân tôi là người Hà Nội, gia đình chúng tôi đã ở Hà Nội rất lâu đời, nhưng tôi vẫn luôn nhận thấy rõ sự thôn quê trong mỗi chúng tôi. Mỗi một gia đình Hà Nội cũng vậy, luôn đặt một chân ở thôn quê. Có lẽ, đặc trưng của mỗi chúng ta vẫn là những người nông dân ở chung với nhau trong một khu đô thị. Và điều này là điểm khác biệt so với những đô thị khác trên thế giới. Nó làm nên tinh thần Hà Nội, lối sống Hà Nội, nó là nét riêng độc đáo của một Hà Nội - đô thị. Bên cạnh những nét đẹp của một “ngôi làng” đúng chất Việt Nam, những nếp sinh hoạt thôn quê vẫn còn tồn tại trong mỗi con người Hà Nội. 

 

Nghệ sỹ Barnaby: Các bạn đang nói đến tính chất nửa làng, nửa phố. Tôi cho rằng London cũng từng trải qua một giai đoạn như vậy. Tôi cũng chưa đến được một thành phố nào hoàn toàn mang tính chất thành phố cả. Tôi đã chụp được cảnh uống bia ngoài vỉa hè của người dân Việt Nam. Tôi thấy những người đó rất thoải mái, họ tự nhiên. Nhưng, điều đó chẳng làm tôi mảy may khó chịu hay phàn nàn gì về Hà Nội, đó đơn giản chỉ là sự khác biệt. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng điều này (những ứng xử quá tự do) sẽ dần biến mất cùng với sự đi lên của nền kinh tế. Tất nhiên, so với một làng quê thì thành phố có rất nhiều lợi thế về mặt vật chất, nhưng đó cũng chính là điểm yếu của nó, khi mối tương tác giữa người với người, giữa một cá nhân với cộng đồng giảm thiểu đi.

 

Nhà văn Di Li: Những người nước ngoài tôi có dịp gặp gỡ đều nói: “Thành phố của các bạn phát triển nhanh khủng khiếp”. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên nhưng dần tôi mới nhận thấy, hóa ra chúng ta phát triển quá nhanh, tới mức mà bản thân chúng ta cũng không nhận ra nữa. Tôi hay chính các bạn, nếu thử một lần đi đến những con phố mình ít đi qua, những khu vực xa nhà, xa nơi làm việc của mình trong thành phố, hẳn sẽ rất bất ngờ vì sự đổi thay của chúng. Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão ấy không cho thấy rằng chúng ta đã thoát khỏi cái “làng” trong thành phố. Chúng ta vẫn bắt gặp những cảnh hỏi đường, mà khi phải tìm đến nhà người quen, chúng ta được chỉ dẫn đại loại như: “Đến cổng làng thì gọi điện chị ra đón, chứ tìm thì sẽ không thấy nhà đâu”.

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Vâng, điều đó là phổ biến ở Hà Nội. Chúng ta ở thành phố, nhưng hầu như không có thói quen xem bản đồ. Những trạm hướng dẫn thông tin du lịch chúng ta cứ nghĩ dành cho khách nước ngoài, rất hiếm gặp một hình ảnh người Việt Nam nào dùng bản đồ để đi tìm địa chỉ trên những đường phố Hà Nội.

 

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Hà Nội là một sự chằng chịt, phố xá, quyền lợi, lối sống cũng đan xen chằng chịt với nhau. Tôi cảm giác khu phố cổ Hà Nội cũ như một chiếc áo lộn trái, sự thật cuộc sống được phơi bày ra cả. Nhưng chính cái cuộc sống mang phong vị thôn quê giữa lòng thành phố ấy, cái sự hội tụ giữa những con phố và lối sống ấy là cái đẹp của khu phố cổ. Không nên chỉ bảo tồn một vài ngôi nhà, một vài con phố, đó chỉ là sự bảo tồn tuyệt vọng. Điều quan trọng là phải duy trì được lối sống ấy, cuộc sống ấy, đó chính là cái hơi thở đặc biệt của Hà Nội cổ. Đó chính là văn hóa Hà Nội là cái tinh thần mà chúng ta cần gìn giữ, chứ không phải bảo vệ cái thể xác bên ngoài.

 

Ngọc Linh (Ghi)