Nhà văn chuyện phiếm về tình yêu

Vnexpress

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

 

Tin 247g ThiềQuang thích mối tình Marius và Cosette, Cấn Vân Khánh ám ảnh với "Mùa lá rụng" của Olga ggolts, còn Di Li lại mê đắm Gamzatop với “Còn nếu em đi cô đơn buồn tủi trên đời/Không ai yêu em nữa/Thì cóhĩa ở một nơi nào đó, trên n cao, Gamzatop chết rồi”.

Đặng Thiều Quang thích mối tình Marius và Cosette, Cấn Vân Khánh ám ảnh với "Mùa lá rụng" của Olga Berggolts, còn Di Li lại mê đắm Gamzatop với “Còn nếu em đi cô đơn buồn tủi trên đời / Không ai yêu em nữa / Thì có nghĩa ở một nơi nào đó, trên núi cao, Gamzatop chết rồi”. Dưới đây là chia sẻ của ba nhà văn trẻ về những nhân vật, những hành động, những con người sống đẹp nhất vì tình yêu được thể hiện trong văn học xưa nay.

Nhà thơ, nhà văn nào viết về tình yêu được anh, chị yêu thích nhất?

Di Li: Tôi thích Margaret Mitchell (tác giả Cuốn theo chiều gió) với sự thể hiện tinh tế và độc đáo của bà trong tính cách nhân vật cũng như tình yêu của họ.

Cấn Vân Khánh: Tôi ấn tượng với Janusz Leon Winsniewski bởi những truyện ngắn về tình yêu rất hiện đại mà vẫn mang đầy tính nhân văn. Ông là nhà khoa học nên tình tiết trong truyện được kết hợp khá chặt chẽ giữa lý trí và cảm xúc. Tôi đọc được sự lãng mạn trong đó, nỗi cô đơn vô tận của nhân vật trong hành trình đi tìm tình yêu và cả những mất mát không thể lấy lại. Tất cả đều rất hấp dẫn và lôi cuốn.

Đặng Thiều Quang: Có lẽ là Boris Pasternark với Bác sĩ Zhivago, tiếp đến là Ernest Hemingway vớiiChuông nguyện hồn ai. Đó là những cuốn sách rất hay, trong đó nhân vật bị cuốn vào những cuộc chiến tàn khốc, những câu chuyện mà từ đầu tới cuối hầu như luôn căng thẳng. Trên cả tình yêu trai gái, ở đây còn là câu chuyện về tình yêu cuộc sống, yêu những khoảng lặng thanh bình hiếm hoi giữa những cơn bão tố, bởi họ luôn phải đối mặt với cái chết, phải tìm cách sống sót. Ở ranh giới giữa cuộc sống và cái chết, giữa hiểm nguy, điên rồ, hỗn loạn của chiến tranh, thì dường như chính tình yêu đã chỉ lối và dẫn dắt cho họ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, theo những cách kỳ lạ nhất.

Câu thơ tình hay nhất mà anh, chị từng đọc được?

Di Li: Tôi chỉ thích nhất một câu thôi, hay nói đúng hơn là vài câu trong đoạn cuối bài Gửi người phụ nữ của Raxun Gamzatop: “Còn nếu em đi cô đơn buồn tủi trên đời / Không ai yêu em nữa / Thì có nghĩa ở một nơi nào đó trên núi cao, Gamzatop chết rồi”. Bài thơ tỏ tình này rất… kịch tính. Mà tôi thì vốn thích những điều kịch tính.

Cấn Vân Khánh: Vốn rất yêu thơ và đọc khá nhiều thơ nên thật khó để nói câu thơ tình nào tôi thích nhất. Tuy nhiên tôi từng rất ấn tượng với câu: “Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất / Sao phút này làm người bạn cũng không?” trong Mùa lá rụng của Olga Berggolts (Bằng Việt dịch).

Đặng Thiều Quang: Tôi rất thích Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, có thể coi đó là một bài thơ tình. Đặc biệt ở khổ cuối, tôi nghĩ nó đã nói lên tâm trạng hầu hết những chàng trai cô gái mới phải lòng nhau, xao xuyến lạ lùng, hư hư thực thực: "Mơ khách đường xa, khách đường xa / Áo em trắng quá nhìn không ra / Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà?".

Hành động vì tình yêu đẹp nhất trong văn học mà anh, chị từng biết?

Di Li: Tôi không nhắc đến hành động đẹp nhất mà tôi muốn nhắc tới hành động mà tôi ấn tượng nhất. Đó là khi nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp, một gián điệp Nhật Bản bị dồn vào bước đường cùng: sẽ phải chứng kiến tốp lính Nhật làm hại cô gái Trung Hoa mà anh yêu thương cho dù đôi bên chưa hề biết tên nhau. Anh đành phải giết cô gái rồi tự sát (đúng theo phong cách samurai) cho dù điều đó đồng nghĩa với việc phản bội tổ quốc và làm nhơ danh dòng tộc. Trước khi thực hiện điều đó, anh ta nói “Em đừng sợ, anh sẽ theo em. Anh sẽ bảo vệ em trong thế giới bên kia”. Câu chuyện này rất giống tác phẩm Người thứ 41 của Boris Lavrenhjov, cho dù lý do hành động về logic thì trái ngược, nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì một điều duy nhất. Cô gái Nga áp giải chàng tù binh người Đức và giữa họ nảy nở tình yêu khi bị dạt lên một hòn đảo vắng. Cuối cùng, khi chiếc tàu của hải quân Đức đi ngang qua, người tù binh Đức chạy ra vẫy, và vì tình yêu với tổ quốc, cô gái đành bắn chết người yêu của mình rồi tự sát.

Đặng Thiều Quang: Đó là trong Bác sĩ Zhivago, khi Zhivago và Lara trốn trong một căn nhà hoang giữa mênh mông tuyết trắng mùa đông nước Nga, với bầy sói vây quanh rình rập. Trong những ngày dài họ bị cả thế gian bỏ quên, chỉ có tiếng chó sói tru ghê rợn vây quanh. Sống trong sự cùng quẫn, sợ hãi và vô vọng ấy, bác sĩ Zhivago đã viết thơ tình tặng Lara. Hãy hình dung những bài thơ tình được viết ra ở cái nơi tận cùng thế giới ấy, và cuộc chiến tranh cuồng loạn thì vẫn đang diễn ra đâu đó.

Mối tình mà anh, chị cho là đẹp nhất trong văn học?

Di Li: Tôi ấn tượng nhất mối tình giữa Scarlet O’Hara và Rhett Butler trong Cuốn theo chiều gió. Cho dù đọc đến hàng nghìn tác phẩm thì tôi vẫn không thay đổi được ấn tượng này. Đây rõ ràng là một câu chuyện tình kỳ lạ.

Cấn Vân Khánh: Tôi bị ám ảnh bởi mối tình giữa Gemma và Arthur trong tiểu thuyết Ruồi trâu của Ethel Lilian Voynich, bức thư cuối cùng Arthur gửi cho Gemma đã chứa đựng tất cả tình cảm mà ông dành cho người con gái ông yêu đến giây phút cuối cùng. Toàn bộ tiểu thuyết không tập trung khai thác mối tình của hai người nhưng tình yêu lý tưởng và cao đẹp vẫn hiện lên lấp lánh từng trang sách.

Đặng Thiều Quang: Mối tình lãng mạn giữa Marius và Cosette trong Những người khốn khổ của Victor Hugo. Hoặc vì tôi đọc tác phẩm này khi còn niên thiếu nên ấn tượng bởi những đoạn mô tả họ gặp gỡ và phải lòng nhau ở vườn Luxembourg, rồi cảnh Cosette “xé rào” hẹn hò vụng trộm với Marius, cho đến đoạn chàng sinh viên trẻ Marius tham gia cuộc bạo loạn, anh ta viết lá thư vĩnh biệt nàng Cosette với những ngôn từ đầy đau khổ mà cuồng nhiệt… Tất cả đều rất đẹp, bồng bột và say đắm. Nhân tiện, cũng không thể không nhắc đến cuốn Người tình của Marguerite Duras, kể lại một mối tình mang vẻ đẹp u ám kỳ lạ nhưng đầy quyến rũ. Và còn nhiều cuốn sách khác nữa, khó có thể nói chính xác đâu là câu chuyện tình đẹp nhất. Mọi câu chuyện tình đều đẹp.

Tình yêu bất hạnh nhất từng được miêu tả trong văn học, theo anh, chị?

Di Li: Cũng vẫn là giữa Scarlet và Rhett Butler. Họ là hai trái tim nồng nhiệt và đồng cảm, song về mặt lý trí lại chạy dài như hai đường thẳng song song. Bất hạnh chính ở điều ấy. Nhìn chung thì theo cách thể hiện thông thường trong văn học, những mối tình đẹp nhất cũng đồng thời là những mối tình bất hạnh nhất.

Cấn Vân Khánh: Mối tình giữa Gemma và Arthur trong Ruồi trâu chứa đựng đầy đủ sự mất mát và đau đớn. Họ đã dâng trọn mình cho lý tưởng cách mạng, để rồi giây phút cuối cùng nhận ra tình yêu duy nhất dành cho nhau qua bức thư mà Arthur để lại thì họ đã không còn được nhìn thấy nhau nữa vì cái chết đã chia lìa vĩnh viễn. Tôi cho rằng tình yêu bất hạnh nhất là tình yêu bị ngăn cách bởi cái chết.

Đặng Thiều Quang: Đó là mối tình của một nhân vật trong Âm thanh và Cuồng nộ của William Faulkner. Anh ta yêu chính em gái của mình, phát điên, và cuối cùng là tìm đến cái chết. Có thể nói đây là một cuốn sách vĩ đại, và là cuốn hay nhất mà tôi từng đọc.

Là người sáng tác, điều gì với anh, chị là khó nhất khi viết về tình yêu?

Di Li: Tôi thấy khó nhất là viết lời thoại giữa những người đang yêu. Riêng phạm trù này thì trí tưởng tượng của tôi rất kém. Bình thường tôi tự cho mình giao tiếp không đến nỗi tồi, nhưng trước những vấn đề cần bộc lộ cảm xúc thật (cho dù là ăn năn, hối hận, buồn nản hay phấn khởi) thì tôi cũng rất khó ăn nói. Vì thế tôi viết nhanh, nhưng nhiều khi chỉ vì một câu thoại mà tắc tị cả 15 phút, cứ tẩy đi xóa lại, thấy nhân vật nói thế nào nghe cũng có vẻ rất ngố.

Cấn Vân Khánh: Điều khó nhất của tôi là viết một truyện ngắn tình yêu mang kết thúc có hậu mà vẫn để lại xúc cảm và ám ảnh trong lòng độc giả

Đặng Thiều Quang: Là viết về nó mà không phải gọi tên nó là tình yêu. Hoặc viết về những khía cạnh khác của tình yêu thường bị người ta bỏ qua hoặc né tránh, đó là những ám ảnh tình dục, ghen tuông, dằn vặt, hoặc sự tham lam vị kỷ của nó nữa. Viết về những chuyện kỳ lạ hay kỳ quặc mà không trở nên xa lạ với độc giả, và trước hết ngay cả với chính mình. Đó là điều khó nhất.

Xin hãy chia sẻ ngày lễ Valentine lãng mạn nhất mà anh, chị từng có?

Di Li: Tôi có nhớ một năm, hồi chưa lấy nhau, anh ấy có tặng cho tôi một bài thơ thì phải. Thơ không hay lắm, không có vần ăn nhập (vì chồng tôi không có năng khiếu văn thơ) được trình bày trên bưu thiếp tự thiết kế với hình vẽ đàng hoàng (anh ấy là họa sĩ). Tôi cực kỳ ghét thơ, hầu như không đọc, làm thơ lại càng không, nhưng trước đó tôi hứng chí thế nào có tặng cho ý trung nhân một bài, cũng chán không kém. Nên tôi đồ rằng anh ấy tặng tôi thơ là để “trả nợ”. Có lẽ đó là bài thơ duy nhất chúng tôi làm trong đời. Hai bài ấy người khác đọc lên chắc phải phì cười, nhưng chúng tôi vẫn cất trong một hộp sắt nhỏ trong tủ riêng của mỗi người.

Cấn Vân Khánh: Mỗi ngày Valentine lại đem đến cho tôi cảm giác khác nhau. Khi yêu bất kỳ ai cũng trở nên lãng mạn. Nhưng tôi không quan trọng điều đó bằng việc ngày nào bạn trai tôi và tôi cũng dành cho nhau những khoảnh khắc lãng mạn và đẹp đẽ chứ không chỉ trong ngày lễ Valentine.

Đặng Thiều Quang: Nói ra nghe có vẻ buồn cười, nhưng từ khi Valentine trở nên phổ biến ở Việt Nam, thì dường như tôi đã hơi “già”, hoặc đã qua cái thời trẻ trung lãng mạn mất rồi. Một số bạn bè thế hệ 7X cùng trang lứa với tôi cũng không mấy mặn mà với ngày lễ này, nhất là cánh đàn ông. Chúng tôi khá thờ ơ, hoặc luôn có một phản xạ vô thức nào đó chống lại những nghi lễ hay xu hướng có vẻ bầy đàn và ngoại nhập. Tuy vậy, mỗi năm vào ngày lễ Valentine, tôi vẫn mua hoa tặng vợ. Tôi ngạc nhiên thấy cô ấy giữ những bông hoa rất lâu, cho đến tận khi chúng héo khô đi. Phụ nữ có thể không nói ra, nhưng họ luôn thích được tặng hoa.

Hà Linh