Các nhà văn trẻ "khoái" đưa tác phẩm lên mạng

 

Vietnamnet

Khi viết truyện hoặc những tản văn, tôi thường post lên mạng ngay. Viết rồi post lên mạng, bà con đọc vỗ tay rầm rầm tôi cũng khoái. Nó như thứ doping tạo cảm hứng cho tôi viết vậy...

 

Doãn Dũng

 Doãn Dũng: - Khi viết truyện hoặc những tản văn, tôi thường post lên mạng ngay. Viết rồi post lên mạng, bà con đọc vỗ tay rầm rầm tôi cũng khoái. Nó như thứ doping tạo cảm hứng cho tôi viết vậy. Còn nếu không có thứ doping ấy chưa chắc tôi đã viết, vì viết mất thời gian lắm, tôi thì lại bận.

Trong những người vỗ tay không chỉ có bạn đọc đơn thuần mà còn có cả các biên tập viên của các nhà sách, NXB và họ đặt vấn đề in truyện của tôi. 

Cho dù tôi rất tự tin khi viết truyện nhưng tôi lười chờ đợi. Tôi ghét cảm giác như hồi bé tôi gửi truyện lên báo, đài mà không thấy ai trả lời hay hồi âm. Cho đến giờ thì tôi thích cả 2 dạng xuất bản, xuất bản trên mạng thì có comment ngay, sướng ngay lập tức. Còn xuất bản giấy in thì… oai hơn

Những thứ tôi viết trên mạng là những thứ tôi thích, cũng may là có một số độc giả thích cùng. Nếu viết ra cái tôi thích mà chả ai đọc, chả ai thích cùng  thì tôi thành dở hơi mất. 

Khi viết, tôi viết cái mình thích chứ tôi không nghĩ đó là văn chương nghệ thuật gì. Tôi cũng không nghĩ mình là nhà văn vì khái niệm đó rất mơ hồ. Nên ai gọi tôi là tác giả, nhà văn trẻ, cây bút gì gì tôi cũng gật đầu đồng ý. Còn người ta gọi tôi là nhà văn tôi cũng không bất ngờ, vì tôi cũng… viết văn cơ mà? Tôi thuộc dạng AQ lắm.

 

Keng

Keng: - Trước đây tôi viết truyện vì nhu cầu tâm sự của mình, tôi chưa bao giờ gửi truyện đến báo hay có ý nghĩ sẽ in sách, nên tất cả những gì tôi viết ra đều post lên blog. Ban đầu, tôi không công khai bất cứ điều gì về bản thân chỉ post truyện và những dòng cảm xúc. 

Sau này có nhiều người vào comment ủng hộ, vài người liên hệ nói rằng có thể in truyện của tôi chung trong một cuốn sách nào đó cùng với những tác giả nào đó nữa nên tôi bắt đầu muốn những thứ mình viết trên blog được in thành sách.

Tôi không ảo tưởng về văn chương của mình, đơn giản những câu chuyện tôi post trên blog được ghi lại từ đời thực. Tôi cũng không nghĩ rằng nếu in sách thì sẽ có nhiều người đọc. Nhưng đến khi NXB Văn Nghệ mua quyền sử dụng tác phẩm của tôi thì tôi cũng như bất kỳ tác giả nào khác, cũng mong rằng cuốn sách sẽ được độc giả tiếp nhận.

Khi tôi viết một cái gì đó, nếu thấy nó đã trọn vẹn, tôi mới post lên blog. Tôi không có hứng thú gửi những câu chuyện đó cho bất cứ tờ báo và chờ xem có được đăng hay không. Thú thật với tôi, viết lách chỉ là cái hứng nhất thời, nên nhiều người cho rằng cuốn “Dị bản” của tôi là sách nhảm nhí, tôi cũng không phủ nhận. 

 

DiLi

DiLi: - Tôi cũng như các nhà văn Việt Nam khác đều có tác phẩm trên các website và đều không có nhuận bút. Tôi nghĩ mình sống ở môi trường nào thì phải thích nghi với môi trường ấy.

Nhiều người phàn nàn rằng các nhà văn Mỹ, Trung Quốc cứ in truyện trên mạng thì đã kiếm được bộn tiền. Đây không phải là nước Mỹ, cũng không phải Trung Quốc nên ta không nên mơ mộng viển vông. 

Hơn nữa, văn hóa đọc của ta cũng chưa đạt được mức độ tác phẩm hấp dẫn được in trên một website thì pageview của website ấy tăng vọt đến chóng mặt lên đến hàng triệu. Và nếu pageview chóng mặt, đương nhiên các chủ web sẽ trả nhuận bút cao cho nhà văn thôi. 

Tuy nhiên, tôi cũng mong nếu tác phẩm của mình được in trên một trang web nào đó, mình sẽ nhận được chút bản quyền tượng trưng, hay chí ít thì cũng một lời xin phép.

Những điều đó thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả và làm người viết thêm phấn khởi. Có nhiều trang web vẫn đưa các tác phẩm của nhiều tác giả mà không hề xin phép, chuyện này trở nên phổ biến và trở thành bình thường. Nhưng tôi thấy điều này rồi sẽ thay đổi để thích nghi với thế giới.

 

Lê Anh Hoài

Lê Anh Hoài: - Tôi đã từng post một phần cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình mùa tạp kỹ” lên website vanchuongviet.org cho độc giả online đọc, cũng có một số người thích (khi đó tiểu thuyết được lấy tên là “Tìh êu”). Lúc đó, tôi có đưa bản thảo cuốn tiểu thuyết này “gõ cửa” hai NXB nhưng họ không in được. Đến khi NXB Đà Nẵng đồng ý in, họ đề nghị tôi dừng việc đưa tác phẩm lên website, có lẽ là để khỏi ảnh hưởng đến việc bán sách. 

Đăng tác phẩm trên website thường nhanh chóng và được sự quan tâm nóng của độc giả hơn sách in, đồng thời môi trường văn học online cũng thoáng đãng hơn khi viết.

Ví dụ tác phẩm ban đầu có câu "giấc mơ làm ướt quần" thì khi in thành sách, NXB gạch phéng mấy chữ ấy đi vì nó “nhạy cảm”. Khá nhiều ví dụ tương tự, nên tôi thấy, đăng bài trên website và xuất bản trên giấy là một khoảng cách khá lớn. 

Đăng tác phẩm trên mạng sẽ có sự phản hồi của độc giả, cái đó khiến người viết vui hơn. Nhưng qua thực tế, tôi thấy những comment nhiều khi hơi phù phiếm. Tôi nghĩ, đăng truyện trên mạng hay trên sách thì bản thân người viết cũng vẫn phải chịu trách nhiệm với người đọc và với chính mình.  

 

Nguyễn Quỳnh Trang

Nguyễn Quỳnh Trang: - Thông thường, các tác phẩm của tôi được truyền tải trên mạng khá nhiều. Một phần không nhỏ độc giả biết đến những sáng tác của tôi thông qua mạng. Tôi tự đặt cho mình nguyên tắc đầu tiên trong việc đăng tải các sáng tác là: Bản in trước, website sau. 

Nếu thi thoảng tôi post một vài chương tiểu thuyết lên blog cá nhân thì cũng chỉ vì muốn thông báo với độc giả của mình rằng tôi đang thực sự làm việc và đó là kết quả. Hoặc trang web sach.com đã từng đặt vấn đề đưa truyện (đã in) của tôi lên và không phải gửi nhuận bút.

Bản thân tôi cũng như nhiều tác giả bị đưa tác phẩm lên và không một lời xin phép, điều này xảy ra thường xuyên. Tôi thấy trong sáng tác văn chương, tiền đúng là không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu, tác phẩm đến với bạn đọc là tốt rồi.

Điều lấn cấn ở đây chính là thái độ tôn trọng công sức lao động của các nhà văn mà các website này không có. Một câu xin phép, một dòng chữ ghi nguồn lấy tác phẩm có phải là việc khó khăn đâu?

  • Tuấn Hải - Mai Sen (thực hiện)