Không nên chỉ trông chờ vào giải Nobel

Vietbao

VTC news

Báo Đất Việt

 

Không chỉ giải Nobel Văn chương mà với rất nhiều những giải thưởng lớn trong các lĩnh vực khác, Việt Nam vẫn còn một khoảng với quá xa. Để có được lời giải dễ hiểu nhất cho những câu hỏi như: Vì sao văn chương Việt Nam vẫn còn "xa vời vợi" với độc giả thế giới?; Vì sao cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một đề cử nào cho giải Nobel văn chương? Làm cách nào để chúng ta “tiệm cận” được với những sự kiện văn hóa lớn trên thế giới bằng bản sắc của riêng mình?, phóng viên VTC NEWS đã có cuộc trao đổi với những cây bút trẻ - những “hy vọng” trong tương lai của văn chương VN, cũng như những cây bút “gạo cội” đã có ít nhiều thành tựu khi đưa tác phẩm của mình đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lắng nghe những nhận định, những sự lý giải của các nhà phê bình văn học đã dày công đi cùng với sự phát triển của văn chương Việt Nam.


Trong bài đầu tiên của chuyên đề này, chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả VTC News cuộc trò chuyện với nữ nhà văn trẻ Di Li - Nguyễn Diệu Linh. Chị từng được biết đến với nhiều thể loại, song thời gian gần đây, chị nổi bật trên văn đàn VN với thể loại truyện kinh dị. Chị cũng là nhà văn đầu tiên tự dịch truyện, tự biên tập truyện của mình sang tiếng Anh và tự liên hệ nơi in, tự tiếp thị truyện của mình ra thế giới.

 

Đặt kế hoạch cho giấc mơ tới Nobel Văn chương
Đã khi nào Di Li mơ về giải Nobel Văn chương?
Tôi vốn là người có lý trí, luôn biết đâu là điểm dừng và giới hạn, thậm chí, tôi đặt giới hạn cho cả những ước mơ của mình. Tôi cũng hay tự đặt kế hoạch cho từng giai đoạn trong quỹ thời gian và thường hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, giải Nobel Văn chương chưa hề có trong các giấc mơ và kế hoạch của tôi. Có thể là bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ nghĩ đến nó (cười).

 

 

Bạn có nghĩ rằng, thể loại trinh thám, kinh dị không chỉ là “món độc” trong văn chương VN nói riêng, văn chương thế giới nói chung mà nó còn là “món độc” trong các giải thưởng Nobel Văn chương?
Tôi cũng đồng ý rằng, các thể loại trinh thám, kinh dị, phiêu lưu, viễn tưởng… không phải là dòng văn học hàn lâm. Nhưng không vì thế mà ta xếp nó vào văn học hạng hai bởi đã là nghệ thuật thì không có thứ hạng, chỉ có nghệ thuật và phi nghệ thuật mà thôi.
Trên văn đàn quốc tế thì trinh thám kinh dị cũng không hẳn là “hàng độc” vì đã có hẳn Hiệp hội Các nhà văn trinh thám (Crime Writers Association) do người Anh sáng lập và Hiệp hội Các nhà văn viết kinh dị (Horror Writers Association) do người Mỹ sáng lập.
Tuy nhiên, trong đó, mới có Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất có nhà văn là thành viên hội. Như vậy, có thể thấy rằng, các thể loại này đúng là “của hiếm” trong văn học châu Á.

 

Không chỉ Văn học mà nghệ thuật Việt nói chung là... xa lạ
Từng đọc, tìm hiểu và nắm bắt được văn phong của nhiều nhà văn lớn trên thế giới, bạn có thể lý giải vì sao văn chương VN vẫn còn một khoảng cách rất lớn với độc giả thế giới?
Đây là một vấn đề phức tạp và để lý giải được thì cần đến… vài luận án tiến sỹ. Hiển nhiên là không chỉ văn học mà còn rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh… của VN vẫn còn một khoảng cách xa vời đối với công chúng quốc tế.
Cá nhân tôi cho rằng, khoảng cách vô hình đó xuất hiện không phải vì văn học nghệ thuật của chúng ta quá kém cỏi so với thế giới như một số người nói. Có thể, chúng ta chưa có những tác phẩm kinh điển đến mức đoạt giải Nobel, nhưng như vậy, không có nghĩa là chúng ta toàn tác phẩm dở.
Độc giả VN đôi khi vẫn có những “kỳ thị”, tôi dùng từ này e hơi quá nhưng quả đúng là đôi lúc tôi bắt gặp cảm giác như vậy khi so sánh một tác phẩm Việt Nam với một tác phẩm nước ngoài. Những tác phẩm văn học dịch mà chúng ta đang xem thường đã được thẩm định chán chê và đã dịch ra đến vài chục thứ tiếng, tuy nhiên, cả thế kỷ, liệu xuất hiện được bao nhiêu nhà văn như vậy rồi gộp cả 5 châu lục lại để “tinh chế” chọn lọc ra vài chục đầu sách dịch bày bán trong các hiệu sách. Đương nhiên, nó phải hay rồi.
Song cũng có rất nhiều các tác phẩm của nước ngoài, cũng được giải nọ giải kia, nổi đình nổi đám nhưng tôi xem cũng không thấy xuất sắc đến mức chúng ta không thể có tác phẩm nào so sánh nổi.
Rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, tôi cho rằng cũng xứng tầm quốc tế lắm, nếu so với chuẩn mực chung. Nhưng một điều hạn chế là chúng ta tiếp thị rất kém (như rất nhiều lĩnh vực khác của VN).
Thậm chí, có lần, một chuyên viên của Liên hoan phim Venice phải thân chinh đến các nước châu Á để mời tham gia Liên hoan phim.Hỏi tại sao một Liên hoan lớn như vậy mà lại phải cử người đến tận nước sở tại để mời, ông ta nói rằng vì các nước châu Á, trong đó có VN không chịu tham gia, có thể do các nhà làm phim VN nghĩ là phải cần nhiều điều kiện mới tham gia được, hoặc không chịu tìm hiểu, không biết cách tìm hiểu thông tin, thậm chí còn không quan tâm đến LHP nữa.
Hiện nay có rất nhiều hiệp hội văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh của quốc tế, uy tín có, thường thường bậc trung cũng có. Tôi đã xem qua điều kiện tham dự là thành viên của các hiệp hội này, thấy không có gì là quá sức đối với chúng ta cả, nhưng những người làm nghệ thuật của ta ít chịu tìm hiểu thông tin. Các hiệp hội nghệ thuật của chúng ta cũng không năng động lắm trong việc tiếp thị sản phẩm văn học nghệ thuật ra thế giới. Mà trong đó, ngôn ngữ là một rào cản lớn.
Dĩ nhiên, văn học nghệ thuật cũng là một loại sản phẩm. Đã là sản phẩm mà không tiếp thị, cứ ngồi im chờ “hữu xạ tự nhiên hương” thì e rằng lâu lâu lắm “hương” mới có thể vượt biển bay khắp năm châu được.
Hiện nay tôi cũng đang dịch một số truyện ngắn của tôi sang tiếng Anh và đang liên hệ nơi in. Tôi tự dịch, tự in, tự tiếp thị, chắc chắn sẽ không chuyên nghiệp được bằng các nhà xuất bản nước ngoài luôn có sẵn một “dây chuyền công nghệ” để mời chào tác phẩm đi khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng đã xin được tài trợ để in được cuốn này rồi. Đó đã là một nỗ lực hết sức của cá nhân tôi.

 

Nên đi từ cái nhỏ đến cái lớn
Ngay cả ứng cử viên nặng ký của Nhật - nhà văn Haruki Murakami - cũng trượt mất giải Nobel Văn chương năm nay; theo Di Li, trong bao lâu nữa, giải Nobel sẽ không chỉ thuộc về phần lớn các nhà văn Châu Âu, Mỹ mà nó còn nằm trong tầm tay các nhà văn Châu Á, đặc biệt là Việt Nam?
Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, giải Nobel văn học mới chỉ có duy nhất một tác giả châu Á lọt được vào là Cao Hành Kiện của Trung Quốc (năm 2000).
Tuy nhiên, điều này thì chúng ta không nên buồn làm gì vì đã có một số nhà khoa học quốc tế phàn nàn rằng giải Nobel nên gọi là giải Mỹ cho rồi, vì quá nhiều ứng cử viên quốc tịch Mỹ giành được giải thưởng cao quý này trên mọi lĩnh vực.
Tôi cho rằng chúng ta nên đi từ cái nhỏ đến cái lớn. Ở quanh khu vực và châu Á cũng có rất nhiều giải thưởng văn học đang chờ đợi, đâu phải chỉ mỗi Nobel là giải thưởng duy nhất.
Chỉ cần chúng ta năng động hơn nữa trong công tác hội nhập. Các hội đoàn cũng nên phổ cập kiến thức không chỉ cho những thành viên trong hội mà cho cả các nhà văn nói chung, để ai cũng có thể tham gia. Tôi thấy còn rất nhiều người không biết có tồn tại một giải thưởng như thế, một hiệp hội như thế trên đời.

 

Cảm ơn Di Li về cuộc trò chuyện!

Thục Nhi