Tầng thứ nhất
Có thể bạn sẽ đi một mạch hết 16 truyện ngắn trong “Tầng thứ nhất” của nữ nhà văn trẻ Di Li (sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản 2007). Bởi nó nhiều ám ảnh, nhưng xinh xắn, dễ đọc.
Là một giảng viên tiếng Anh, nhưng Di Li (tên thật là Nguyễn Diệu Linh) lại chọn văn chương làm bạn đồng hành, chọn trang giấy là nơi giải bày những tâm sự của mình. Khác với các cây bút trẻ thường lấy đề tài từ chính cuộc sống của bản thân mình để kể, cô gái sinh năm 1978 này lại chọn cho mình dòng truyện trinh thám – kinh dị làm hướng đi. Mười năm cầm bút, từ viết báo chuyển sang viết văn, DiLi đã thực sự tỏ ra là một cây bút vững tay và có nghề.
Mười sáu câu chuyện, mười sáu số phận…, có chuyện có yếu tố kinh dị, có chuyện không, nhưng đằng sau đó bao giờ cũng là cái nhìn đầy nhân văn của tác giả. “Cocktail” - truyện đã đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân dội năm 2005-2006 là một tác phẩm hay với cái kết đầy kịch tính. Còn truyện “Bức tranh và ngôi nhà cổ” lai mang đến cảm giác hồi hộp từ đầu đến cuối. Một bức tranh vẽ một ngôi nhà cổ có sức mê hoặc kì lạ. Nhà sưu tập nào cũng trả giá cao để có được nó. Nhưng họ không thể có được nó – bởi họ luôn bị tai nạn khi mang tiền đi lấy bức tranh. Người sở hữu bức tranh luôn gặp những truyện kì lạ. Họ đã đi tìm ngôi nhà trong tranh để khám phá những bí mật đằng sau bức tranh đó.
Có nhiều người đọc đánh giá cao “Người cùng chung cư”, “Ma học trò”… nhưng trong thâm tâm tôi lại thích nhất hai truyện “Cái ghẻ” và “Chiếc vòng bạc”.Nếu như truyện “Chiếc vòng bạc” có những yếu tố hồi hộp đến phút cuối, thì “Cái ghẻ” lại là một cái nhìn đầy nhân hậu về người phụ nữ, về những số phận bị đẩy tới đáy của xã hội. Trong cái guồng quay hối hả của cuộc sống, nhiều khi họ trở nên vô tình đến tàn nhẫn… Bên cạnh đó, còn có “Hoa mộc trắng” như một bài thơ đầy tâm trạng về những linh cảm trắc trở trong tình yêu.
Tuy nhiên, trong một số truyện, Di Li dường như tỏ ra dễ dãi với chính mình. Những yếu tố hồi hộp, hấp dẫn không còn giữ được đến cuối cùng. đến nửa chừng, người đọc có thể đoán ra cái kết. “Tin nhắn” là một truyện ngắn như thế. Nhưng dù sao, đây vẫn là một cuốn sách sáng tạo được dấu ấn khá đậm nét, xác lập cho mình hướng đi riêng của một cây bút còn trẻ. Chính vì thế, người ta vẫn hi vọng đó mới chỉ là “Tầng thứ nhất” của Di Li.
Minh Hằng