Nhà văn Di Li rơi vào lỗ trống

 

Nữ nhà văn Di Li vừa ra mắt tiểu thuyết đầu tay Trại Hoa Đỏ (NXB Công an Nhân dân) với đề tài kinh dị, tiếp nối các tác phẩm từng ra mắt bạn đọc cùng đề tài. Sáng tác, dạy học, dịch sách, làm PR…, nhưng Di Li chỉ nhận mình là người “chăm chỉ”. Là nhà văn nữ nhưng lại mê viết đề tài kinh dị, nhiều người cho rằng nhà văn Di Li táo bạo, muốn tạo sự chú ý. Nhưng chị cho biết, mình viết chỉ vì… thích.

 

Tại sao chị lại thích viết truyện kinh dị? Điều này có liên quan gì đến tính cách không? Phải chăng chị là người rất ưa khám phá và gan dạ?

Tôi rất say mê các tác phẩm giả tưởng dòng thriller bao gồm truyện trinh thám, kinh dị, phiêu lưu và khoa học viễn tưởng. Có thể bẩm sinh là những điều bí ẩn luôn cuốn hút tôi. Đúng là tôi rất ưa khám phá những điều mới lạ. Chỉ có điều hoàn cảnh không cho phép mình phiêu lưu và thám hiểm đúng như trong truyện mà thôi, nên đành thả cho trí tưởng tượng trôi nổi trên giấy trắng mực đen vậy.

Chị sáng tác và dịch trong thể loại truyện kinh dị và trinh thám kinh dị, phải chăng chị đã xác định sẵn một phân khúc thị trường riêng cho mình khi ở nước ta cả hai dòng sách này vẫn còn hiếm?

Tôi làm trước hết là vì đam mê và rất may mắn là niềm đam mê đó lại rơi đúng vào lỗ hổng đang còn khuyết trên thị trường sách. Có thể coi đó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng được vậy. Vừa rồi có nhiều nơi mời tôi dịch sách các thể loại khác nhưng tôi không nhận lời, đơn giản là vì những cuốn sách đó không hấp dẫn tôi. Dịch sách tôi cũng coi là một phần giải trí, như đọc sách vậy. Nếu nghĩ rằng mình đang giải trí thì công việc sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.

Trại Hoa Đỏ là tiểu thuyết đầu tay của chị, chị có thể bật mí đôi chút về tác phẩm này?

Hồi cuối năm ngoái, tôi quyết định viết một cuốn tiểu thuyết thể loại trinh thám kinh dị, kết hợp hai thể loại tôi yêu thích là horror thriller (kinh dị) và detective dòng Who dunit (thể loại trinh thám truyền thống đi tìm lời giải câu đố Ai là thủ phạm). Bởi vì với thể loại truyện ngắn, tôi cảm thấy mình bị gò bó, trong khi những ý tưởng trong đầu tôi luôn tràn đến. Lúc đó tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa biết một tiểu thuyết sẽ khác một truyện vừa như thế nào và tôi bắt đầu đối mặt với rất nhiều kiến thức cần có cho một cuốn tiểu thuyết thể loại này. Khi tôi post dần các phần đầu tiên lên mạng để thăm dò ý kiến độc giả, không ngờ nhiều người thích và yêu cầu tôi post nhanh và đều đặn hơn nữa. Tôi đã hoàn thiện đề cương và số trang dự định ngay từ những chương đầu tiên, về sau hầu như không thay đổi so với kế hoạch ban đầu.

Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở một trang trại, một vùng đất bị nguyền rủa, một dòng họ bị nguyền rủa. Truyện có ba tuyến vụ án phức tạp. Tôi post tất cả các chương, trừ hai chương cuối. Tôi cũng đưa ra một giải thưởng cho bất kỳ độc giả nào đoán ra thủ phạm, nhưng may mắn là cho đến tận chương 33, giải thưởng của chị mới bị chia sẻ cho một độc giả duy nhất. Vừa rồi tôi nhận được một vài thư của độc giả đề nghị tôi liệu có thể gửi riêng cho họ nốt hai chương cuối để họ theo dõi vì họ nôn nóng quá, không thể đợi đến khi ra sách được.

Là một người cũng khá tham việc (dạy học, làm PR, viết báo, viết văn, dịch sách), chị sắp xếp công việc và gia đình nhỏ của mình ra sao?

Tôi vốn là người ưa khám phá, thôi thì không khám phá được các kho tàng cổ hay vùng đất bị mất tích thì tôi đành khám phá các nghề nghiệp vậy. Mỗi công việc cho tôi một nguồn cảm hứng và thú vị riêng. Tôi rất sợ sự đơn điệu và biết rằng nếu mình chỉ làm một công việc, ắt sẽ phát ốm vì nhàm chán và sẽ liên tục thay đổi nghề nghiệp. Chi bằng làm nhiều việc một lúc, có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều. Nếu tôi đã sắp xếp được các công việc khác thì việc gia đình cũng sắp xếp được thôi. Con gái tôi hiện nay đang theo học nhiều lớp. Hàng ngày tôi phải đưa cháu đi và chầu chực đón cháu về, rồi cuối cùng cũng đâu vào đấy.

Tôi không coi nghề nào là chính phụ. Vì làm bất cứ việc gì tôi cũng cố gắng không để uy tín của mình bị ảnh hưởng. Nghề dạy học, tôi đã có vài giải thưởng, nghề viết cũng vậy. Hơn nữa, cũng có một điều nói nhỏ rằng, phần lớn những người mới gặp tôi hoặc thậm chí đã rất thân luôn nghĩ rằng tôi không làm được việc gì nên hồn. Điều này khiến tôi rất ức chế và càng lăn vào việc nhiều hơn nữa.

Tại sao chị lấn sân sang nghề dịch sách? Phải chăng chị muốn trở thành một dịch giả chuyên nghiệp?

Cũng là một sự tình cờ. Hồi đầu năm tôi dịch cuốn Người yêu dấu của tác giả Sara Zarr, cũng là dịch chơi thôi. Sau, tôi dịch cuốn Người làm chứng (Tami Hoag) và Tàn tích (Scott Thomas) cho công ty Vinabook, đều là thể loại trinh thám và kinh dị. Tôi thực sự thấy hứng thú và mong muốn hàng năm sẽ đều đặn dịch vài cuốn sách. Nếu có thể thì tôi mong muốn mình sẽ được là dịch giả chuyên về thể loại văn học này. Được tiếp xúc với bản sách gốc của những tác giả lớn mà mình mới chỉ nghe thông tin qua báo đài, rồi sau đó nhìn thấy cuốn sách mình vừa dịch nhân bản đến tay người đọc. Đó là một niềm vui đặc biệt mà nếu không làm công tác dịch thuật, tôi sẽ không thể trải nghiệm.

Là một người tham công tiếc việc như chị chắc hẳn sẽ rất nhiều kế hoạch. Vậy kế hoạch cho năm 2009 của chị là gì?

Tôi vốn hay tự đặt ra các kế hoạch rồi cần mẫn hoàn thành chúng. Tôi thường hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Năm vừa rồi, ngoài cuốn Trại Hoa Đỏ, cuốn bút ký “Từ Đông sang Tây” đang để ở nhà xuất bản, tôi đã dịch được 4 đầu sách. Bốn sách này không nằm trong kế hoạch tôi đặt ra đầu năm. Bên cạnh đó tôi vẫn song song làm các công việc khác. Tuy nhiên, cuốn Hồi ký học đường mà tôi hứa hẹn với độc giả chưa hoàn thành kịp. Năm 2009 này, tôi sẽ cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ hai với tựa đề tạm đặt là Giáo phái và thực hiện một số kế hoạch kinh doanh riêng.

Giang Tuyết Minh (thực hiện)