Đàn bà đẹp viết truyện kinh dị
Cô gái mặc áo đen ngồi đợi tôi ở quán cà phê Thiên Đường. Đẹp rực rỡ và hiện đại. Tôi không ghép được hình ảnh ấy với một người coi việc giải trí cuối tuần là ngồi máy tính, gõ ra những trang truyện kinh dị, miêu tả sâu sắc về những ám ảnh sợ hãi của con người hiện đại. Nhưng đó là Di Li, một cô gái biết đủ thế nào là phù phiếm để không sa đà vào những trò vô bổ, biết đủ thế nào là ảo tưởng để không bị danh tiếng làm mờ lí trí. Cô làm trong một công ty quảng cáo, dạy học ở trường du lịch, nói được 4 thứ tiếng, thích đến vũ trường cùng bè bạn, lấy chồng sinh con rất sớm, và chưa bao giờ coi văn chương là gánh nặng. Cô đang viết tiểu thuyết kinh dị “Trang trại” và đưa từng phần lên blog của mình.
Viết về nỗi ám ảnh mất mát của con người
Có cảm giác như càng ngày chị càng viết theo hướng triệt tiêu cảm xúc, dùng lý trí để điều khiển câu chuyện của mình. Có phải chị nghĩ rằng, kỹ thuật sẽ giúp những trang viết của mình… chuyên nghiệp hơn?
Tôi không nghĩ mình đã triệt tiêu cảm xúc. Nhưng đúng là tôi muốn làm chủ ngòi bút của mình. Nhà văn cũng như ca sỹ vậy, khi mới bước vào nghề, sẽ tràn đầy cảm xúc của bản năng, nhưng đến khi lành nghề thì cảm xúc sẽ mất dần đi. Dòng văn tôi theo đuổi nó lý tính hơn những dòng văn khác. Viết truyện trinh thám kinh dị có cái khó là làm sao phải kể một câu chuyện hấp dẫn, điều đó phải có sự can thiệp rất rõ ràng của lý trí. Tôi muốn mỗi khung cảnh, mỗi chi tiết phải phục vụ cho những ý tưởng mình muốn đề cập tới.
Truyện trinh thám kinh dị ở Việt Nam, dường như chị là người đầu tiên khai phá. Tại sao chị lại chọn con đường này?
Có lẽ tôi một mình một đường. Tôi đọc truyện kinh dị, tôi thấy những yếu tố của trí tưởng tượng được phát huy tối đa. Và hơn thế, truyện trinh thám kinh dị mang một đặc trưng riêng. Nó không phải dòng văn hàn lâm. Nhưng nó không rẻ tiền. Tôi đi sâu vào nỗi ám ảnh của con người. Truyện không dọa ma quỷ mà nó mang nỗi ám ảnh về cái chết và sự mất mát những người thân. Tôi lấy trường hợp như “The Ring - Vòng tròn ác nghiệt”, đó là một tập truyện kinh dị không phải dọa ma, nó đầy ý nghĩa nhân bản. Tôi muốn hướng văn của mình theo dòng đó.
Chị nghĩ sao nếu tôi cho rằng, chị có toan tính khi bước vào dòng văn trinh thám kinh dị, như vậy sẽ dễ nổi tiếng hơn?
Tôi nghĩ, nếu như vậy cũng chẳng có gì xấu. Tôi làm quảng cáo và PR chuyên nghiệp nên tôi hiểu rằng, để tạo dựng thương hiệu thì tốt nhất mình phải là người đi tiên phong hoặc nếu mình đi sau thì phải chọn một sự khác biệt. Cách thứ hai nhọc nhằn hơn cách thứ nhất rất nhiều. Muốn có thương hiệu tốt, tôi chọn cách đi tiên phong.
Nhưng đi vào con đường chênh vênh ấy một mình, có bao giờ chị bị nỗi ám ảnh về sự thất bại dày vò?
Không. Tôi hoàn toàn tin vào việc thành công của mình, vì tôi biết mình có trường lực rất tốt. Tôi có dự định sắp xếp công việc để mỗi năm cho ra đời một cuốn tiểu thuyết trình thám kinh dị. Tôi tin mình có bạn đọc của riêng mình.
Những đến một lúc nào đó, các nhà phê bình sẽ lên tiếng, rằng những gì chị viết ra không mang lại giá trị nào tích cực, chị sẽ nghĩ sao?
Bạn đọc sẽ có tiếng nói công bằng nhất. Tôi không sợ người ta phê bình tôi mà chỉ sợ phê bình không đúng. Tôi nhát gan và yếu đuối, tôi không chịu được sức ép dư luận. Nếu ai đó chê tôi đầy ác ý, chắc là tôi sẽ bật khóc.
Muốn con tự hào về mình
Chị có gặp sức ép nào khi đi vào “con đường ma quỷ” này không?
Có một sức ép vô hình, người ta vẫn quan niệm truyện kinh dị là văn học hạng hai. Nhưng thực tế, văn học không có thứ hạng. Tôi quan niệm chỉ có tác phẩm hay hoặc dở mà thôi.
Còn người thân của chị thì sao? Họ có thảng thốt giật mình khi chị suốt ngày luẩn quẩn với những câu chuyện có phần vẫn xa lạ với người Việt?
Người thân của tôi nói tôi bịa giỏi. Còn lại họ ít quan tâm. Con gái tôi mới 5 tuổi, nó chỉ biết mẹ nó chăm sóc con rất kỹ. Còn chồng tôi, anh ấy là họa sỹ. Duy nhất một lần tôi nhờ anh ấy mang sách vào Sài Gòn cho bạn. Đêm ở khách sạn buồn quá, anh ấy mới chịu giở sách của vợ ra đọc. Đọc được một hồi anh ấy nhắn tin bảo, khiếp, sao mà em tài bịa thế, toàn chuyện ma quỷ linh ta linh tinh (cười).
Nhưng con gái chị cũng chuẩn bị trở thành người lớn và trước sau gì nó cũng muốn thẩm thấu những điều mà mẹ viết ra. Chị có sợ nó sẽ thất vọng?
Truyện của tôi có lồng tính nhân bản và có thông điệp rõ ràng. Và hoàn toàn không có sex. Nên cháu đọc cũng không sao. Tôi luôn muốn con gái tôi tự hào về mình. Hồi bé tôi đi học tôi cũng như cháu, thấy các bạn có mẹ là diễn viên múa về trường biểu diễn, cũng thấy mấy đứa bạn oai ghê lắm. Tôi làm một việc có ích, tôi tin con sẽ hiểu và tự hào về mẹ nó.
Chị 30 tuổi, có thấy mình lấy chồng quá sớm và có hối tiếc những quyết định của mình?
Tôi lấy chồng sớm thật, nhưng khi đó thấy mọi thứ đều đã ổn, tôi quan niệm hơi cổ điển là, cứ yên ổn thì mới làm ăn được. Cả hai thấy điều kiện đã tốt thì cưới. Cưới chồng thì phải sinh con. Đến giờ mọi việc ổn cả, tôi vẫn làm được mọi việc mình yêu thích, có gì phải hối tiếc đâu?
Người đàn bà tiệc tùng
Chị làm nhiều việc như thế, chị viết văn vào lúc nào?
Tôi đi dạy một tuần hai buổi, rồi đi làm cho một công ty quảng cáo. Tôi thích những công việc này. Rồi bên công ty Bách Việt người ta nhờ tôi dịch cuốn truyện cho tuổi teen “Người yêu dấu” của Mỹ để phát hành trong mùa hè này, thấy hay tôi cũng nhảy vào dịch. Thế nên, thời gian cho văn chương chỉ là hai ngày nghỉ cuối tuần. Tôi nghĩ mình là người có gia đình, nên cuối tuần lên mạng viết văn là cách giải trí tích cực mà lại mang đến những giá trị thiết thực. Tôi không coi viết văn là công việc khổ sai như nhiều người. Với tôi, mọi chuyện đều tự nhiên, thoải mái.
Nghĩa là chị không có niềm vui giải trí ở bên ngoài như những phụ nữ hiện đại khác?
Tôi là người quảng giao. Tôi thích những đám đông, thích tham gia những tiệc tùng và vui thú những niềm vui của người thành thị. Tôi không hình dung được mình sẽ sống thế nào nếu ở một thị trấn buồn bã nào đó. Tôi thích những sắc màu sặc sỡ nguyên bản và cũng mua sắm "điên đảo" như mọi người (cười rất tươi). Những tối vui, bạn bè rủ, tôi cũng đi vũ trường, vào đó thấy không khí cũng náo nức vui vẻ. Tôi cũng có khả năng thích ứng rất nhanh với một nhóm người nào đó, nghĩa là tôi hoàn toàn nhập cuộc với đời sống này và không hề lạc lõng. Nhưng cuối tuần là mình phải ở nhà, lo cho gia đình. Thời gian rảnh thì ngồi viết văn.
Chị có thú vui nào đặc biệt không?
Chắc là không, tôi đơn giản lắm. Nếu có đặc biệt, chắc là chuyện tôi thích những bộ tóc giả vô cùng. Tôi có tới 7 bộ tóc giả. Những lúc nào đó hứng chí, tôi sẽ trang điểm cùng những bộ tóc ấy. Mọi người chả thích, nhưng tôi lại thích.
Thế còn “nỗi buồn đặc biệt”?
Tôi hay khóc lắm. Mỗi chuyện nhỏ xíu cũng có thể làm tôi khóc. Nhưng những nỗi đau tột cùng thì lặn cả vào trong, tôi giữ cho riêng mình biết, kể cả chồng hay mẹ hay bất cứ người bạn thân nào cũng không thể biết. Đó là thế giới của riêng tôi.
Chị sống bằng cuộc sống của nhiều người ghép lại, bởi chị hóa thân mình vào nhiều nghề và đẩy mình đến với nhiều cuộc vui khác nhau. Chị có nghĩ mình là người hạnh phúc?
Có, ở thời điểm hiện tại!
“Trang trại” - đường dài trước mặt
“Trang trại” có phải là tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tiên của chị?
Đúng vậy. Trước đây tôi có viết, nhưng là truyện ngắn. Truyện tôi đoạt giải của tạp chí Văn nghệ quân đội thì không phải truyện kinh dị. Nên “Trang trại” với tôi là một cuộc thử sức, để xem mình đi tới đâu và làm được những gì. Mỗi tuần tôi sẽ post lên blog một chương. Tôi sẽ hoàn thành vào tháng 8, dự kiến sẽ là 500 trang. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi đăng ký dự thi cuộc thi tiểu thuyết của NXB Công an nhân dân.
Những lời bình luận trên blog có giúp chị được gì không?
Có. Họ chia sẻ nhiều và hầu hết là tích cực. Và cũng có những góp ý rất chân thành. Có những cái lỗi về logic mà họ phát hiện giúp, tôi rất biết ơn họ về điều đó.
Ngoài “Trang trại”, chị có dự định gì trong văn chương nữa không?
Có. Tôi đang viết 40 truyện thời học trò mang tên “Di Li và Những câu chuyện thời niên thiếu”. Những câu chuyện được viết hài hước, một chút cường điệu, như những bộ phim hài dành cho teen. Tháng 5 này cuốn sách sẽ được hoàn thiện.
Và chị có ý định thay đổi thể loại, ngoài kinh dị và trinh thám kinh dị?
Tôi theo đuổi dòng văn học này vì tôi nghĩ mình viết nó tốt hơn so với các thể loại khác. Tôi sẽ dừng lại khi thấy mình viết không còn hấp dẫn nữa.
Dương Bình Nguyên