NỮ SĨ ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG

 

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ông bà ta vẫn tỉ tê như vậy. Bây giờ kinh tế đã khá giả hơn, tháng Giêng thường được người Việt tận dụng du xuân khắp nơi. Thế nhưng, cái băn khoăn đáng kể nhất là, liệu đi một ngày đàng học được mấy sàng khôn? Nhân dịp tân niên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Di Li. Chị là thạc sĩ, giảng viên tiếng Anh, đã từng đặt chân đến hơn 30 thành phố trên thế giới. Sau các tác phẩm trinh thám –kinh dị như “Tầng thứ nhất”, “Điệu valse địa ngục”, “Trại Hoa Đỏ”, nữ sĩ Di Li chuẩn bị phát hành tập bút ký 300 trang viết về những vùng đất bên ngoài Việt Nam

 

 @ Đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, Di Li có tư duy lại lời khuyên “đi một ngày đàng học một sàng khôn” chăng?
Di Li: Điều đó rõ ràng không cần bàn cãi. Tôi biết rất nhiều doanh nhân Việt Nam thành công nhờ những ý tưởng nảy ra sau những chuyến đi xa. Ngày xưa Nguyễn Trường Tộ sang nước người về mở mang được nhiều điều, tâu sớ trình cải cách song bị triều thần và vua Tự Đức cho rằng những điều ông nói là phi lý. Ngày nay chúng ta có đầy đủ phương tiện để ngồi một chỗ cũng có thể thu được “sàng khôn”, tuy nhiên sau khi đã nhiều lần “chu du thiên hạ” thì tôi thấy rằng có những điều không thể chỉ dựa vào sách vở. Đặc biệt đối với người viết, những chuyến đi là cơ hội tuyệt vời cho nghề nghiệp.

@ “Sàng khôn” quan trọng nhất là gì?
Di Li: Là nhận ra rằng bản thân mình có nhiều điều còn dốt nát. Chỉ nói vui như rất nhiều người lần đầu tiên ra nước ngoài, đến cái vòi rửa trong lavabo cũng không biết sử dụng, huống chi nhiều thứ khác: những cú sốc văn hóa, những ngộ nhận trong quan điểm… Nếu ta chỉ đứng một chỗ, ta rất dễ ảo tưởng vào bản thân vì không có gì để so sánh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngược lại, nếu ta luôn giam mình trong bốn bức tường, cũng dễ nảy sinh tư tưởng tự ti, nghĩ rằng việc gì mình cũng không bằng người. Cả hai điều này đều nguy hiểm như nhau.

@ Nếu có một khoảng thời gian tương đương nhau, Di Li chọn điểm đến là một địa danh trong nước hay ngoài nước?
Di Li: Tôi thường nhắm đến các địa danh bên ngoài, đơn giản vì suy nghĩ rất đơn giản là trong nước mình đi lúc nào cũng được, cho dù biết rằng chưa chắc Bali đã bằng Nha Trang và Luang Prabang đã so sánh được với Hội An. Vì vậy đến giờ tôi vẫn chưa biết mặt mũi Nha Trang, Đà Lạt và Mũi Né ra sao. Tuy nhiên, năm nay dứt khoát tôi sẽ “chinh phục” nốt các địa danh này.

@ Ở những quốc gia đã đến, chị ấn tượng với cộng đồng Việt kiều nào?
Di Li: Ấn tượng nói chung là nơi nào trên thế giới cũng thấy có cộng đồng người Việt. Thậm chí khi tôi tình cờ đi qua một ngôi làng heo hút ven biên giới Pháp-Đức, qua một khu chợ tạm ở vùng rừng núi Luang Prabang hay cửa khẩu Nong khai thì cũng luôn chạm mặt người Việt nhà mình. Những lúc ấy họ mừng rỡ mà mình cũng phấn khởi. Tôi ấn tượng nhất với cộng đồng người Việt ở Lào. Họ đông đến nỗi tôi vào chợ Thalat Sao mà ngỡ như đang ở chợ Đồng Xuân vì đi lên đi xuống, quay trái quay phải đều được nói tiếng Việt. Có chị người Việt sinh ra ở Lào nhưng nói tiếng Việt trôi chảy. Chị ấy hơn 40 tuổi rồi nhưng khi thấy tôi thông báo mình chuẩn bị bay đi Luang Prabang, chị nói rằng chưa được đi bao giờ. (Luang Prabang là danh thắng lớn nhất nước Lào) Trước nay tôi vẫn nghĩ rằng Việt kiều hay tập trung ở những quốc gia phát triển vì điều kiện đời sống ở đó tốt hơn, nhưng sau mới thấy không phải. Người Việt có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi được biết rằng thậm chí cả ở Siberi và Angieri cũng có nhiều người Việt nữa.

@ Theo cảm nhận của chị, người Việt tha hương sướng hay khổ?
Di Li: Tôi cho rằng mình không thể cảm nhận được cuộc sống sướng khổ của bất kỳ ai nếu chỉ qua một vài lần tiếp xúc. Tuy nhiên tất cả những Việt kiều tôi đã được gặp đều nói rằng sống trên chính đất nước mình là sung sướng nhất, cho dù quê hương mình có nhiều điều không hoàn hảo. Nhưng thay đổi một cuộc sống đã ổn định vài chục năm là điều không đơn giản. Nếu ta chỉ định chuyển nhà đến một khu khác trong thành phố thôi cũng đã là quyết định ghê gớm lắm rồi, đây là thay đổi và di dời toàn bộ cuộc sống của đại gia đình sang một quốc gia khác. Khó lắm. Nên họ vẫn tiếp tục sống theo những gì mà họ đã lựa chọn.

@ Nếu gặp một người nước ngoài, với tư cách một nhà văn, chị sẽ giới thiệu vùng đất nào của VN?
Di Li: Chắc chắn là nơi tôi đang sống rồi. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng mình yêu Hà Nội đến mê muội. Tôi không thể sống ở nơi nào khác ngoài Việt Nam, và trong nước cũng không thể sống ở nơi nào khác ngoài Hà Nội, cho dù tôi là người luôn thích di chuyển. Tôi có thể từ bỏ tất cả mọi thứ, song khó có thể từ bỏ được thành phố mà mình đang sống, cho dù trong lòng nó cũng có không ít điều khiến tôi khó chịu. 

@ Nơi nào đã đến khiến Di Li ước muốn được quay trở lại?
Di Li: Tôi đặc biệt thích Singapore vì sự sạch sẽ và kỷ luật của nó. Tôi ưa sự sạch sẽ hoàn hảo nên Singapore đúng là thành phố trong mơ. Nhiều người nói rằng sống ở trên đời phải có chỗ bẩn chỗ sạch, người xấu người tốt mới là cuộc sống. Còn chỉ thích sạch sẽ thì nên ở trong nhà, nhưng tôi khâm phục tính kỷ luật của người Singapore, khi mà cả đất nước chẳng hề có một dấu vết lấm láp ngay cả trên vỉa hè. Singapore còn có một nền văn hóa đa dạng rất thú vị. Nhìn chung, tôi thích những thành phố châu Á nhiệt đới hơn những thành phố châu Âu.

@ Yếu tố văn hóa hay yếu tố văn minh thu hút bạn ở một điểm đến?
Di Li: Cả hai. Tuy nhiên để quay lại lần thứ hai thì tôi thích những thành phố văn minh hiện đại hơn, mặc dù ấn tượng đầu tiên lại thường là những nền văn hóa đa dạng và thậm chí hoang sơ càng tốt.
 
@ Để hấp dẫn du khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải hoàn thiện. Theo sự quan sát của một người đi nhiều như Di Li, chúng ta yếu nhất ở khâu nào để có những thiên đường du lịch thực sự?
Di Li: Vẫn là khâu dịch vụ thôi, vì các di sản thiên nhiên của chúng ta quá phong phú. Ta có cả biển, cả núi, cả cao nguyên, đương nhiên giàu có về di sản tự nhiên hơn Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Đúng là ta có quá nhiều việc phải hoàn thiện về dịch vụ nhưng tôi không muốn nhắc tới những tầm vĩ mô ấy. Tôi chỉ muốn nói tới những chuyện đơn giản thôi, ví dụ như ở Làng Văn hóa Hàn Quốc, sân Cung điện Mùa hè (Saint Peterburg), hay thậm chí Siem Reap (Cambodia)… đều có những nhân viên mặc trang phục truyền thống chụp ảnh lưu niệm với du khách, rồi những lễ hội biểu diễn hàng ngày khiến du khách cảm thấy đang sống trong không khí thực của nhiều thế kỷ trước. Ở Vô Tích có trường quay, nay được tận dụng làm địa điểm du lịch vào những ngày máy quay nghỉ, song hàng ngày vẫn có đám quan quân đóng giả khua chiêng gõ trống đi lại dọc ngang cho khách vui mắt. Còn như tôi ao ước được một lần đến Tháp Chàm, Đại Nội, đến rồi đi hết một vòng thấy buồn tẻ đến phát ốm. Quảng Nam – một điểm đến hai di sản. Tuy nhiên đi gần nghìn cây số để thăm viếng những tàn tích mà không còn một loại hình dịch vụ nào khác, dù chỉ là một vài cô gái đóng giả thiếu nữ Apsara để du khách chụp ảnh lưu niệm, thì khách đương nhiên sẽ một đi không trở lại. Ta vẫn có thói quen để “mộc” mọi thứ kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” vậy.

@ Người bình thường vẫn mang về sau mỗi chuyến đi là hình ảnh và sản vật lưu niệm, còn chị thì sao? Có khi nào đứng trước một sự phát triển nào đó, ý thức nhà văn – công dân khiến chị cảm thấy sốt ruột cho đất nước mình không?
Di Li: Chắc tôi chỉ đem về một “túi sàng khôn” vậy. Có lẽ tôi sốt ruột ít hơn những người cùng đoàn vì tự cho rằng, mình cải thiện được sự dốt nát của cá nhân mình cũng đã là một đóng góp cho đất nước rồi, cho dù sự đóng góp ấy chỉ bé bằng hạt cát. Duy có một lần tôi “sốt ruột” thật khi đến thăm Putrajaya, thành phố thông minh của Malaysia, một thành phố được coi là đỉnh cao của trí tuệ loài người mà không chỉ tất cả cư dân của Malaysia đều mơ ước sống ở đó, được xây dựng chỉ trong vòng hơn chục năm từ một khu mỏ bỏ hoang. Những người đi cùng tôi hôm ấy thì có vẻ “tị nạnh”: Họ cũng là một nước Đông Nam Á… Nhưng dù sao, tôi cũng ít có thói quen “thấy nhà người sang mà chán nhà mình”. Mình có gì chưa được thì mình học hỏi thôi. Tôi nghĩ đơn giản vậy.

Đồng Văn (thực hiện)