Tôi đang theo đuổi một thể loại ít người theo
Mới chỉ xuất hiện trong một vài năm trở lại đây nhưng cái tên Di Li ngay lập tức thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Với một văn phong hiện đại, một lối viết tỉnh táo, với đề tài chủ yếu là truyện kinh dị, có thể ví Di Li như một bông hoa lạ trên văn đàn Việt Nam vốn dĩ gần đây khá đơn điệu. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị với nữ nhà văn về nghề viết và những vấn đề của văn chương trẻ hiện nay.
Trước tình trạng ra sách nhiều như hiện nay của các cây bút trẻ mà mình là một trong số đó, chị nghĩ thế nào về sự xuất hiện của mình? Độc giả có thể trông đợi điều gì từ cuốn sách của chị?
Sách của tôi rất dễ nhận dạng trên thị trường sách hiện nay vì nó là thể loại ít người viết, vì vậy tôi cũng mong muốn được đóng góp thêm một “món ăn” mới lạ tới công chúng.
Chị có thể bật mí đôi điều về quan niệm sáng tác của mình? Chị có nhận xét gì về sự xuất hiện ồ ạt của truyện ngắn gần đây?
Tôi cho rằng tác phẩm dù là thể loại nào cũng nên phải hấp dẫn. Gần đây có rất nhiều tác phẩm mới ra lò và nhiều tên tuổi được định vị trên thị trường sách cũng như trong làng văn học, song cũng nhiều cái tên bị chìm lấp. Đó cũng là quy luật đào thải tất yếu.
Chị nghĩ gì về cái gọi là “đời sống” khúc xạ trong tác phẩm văn học? Nói cụ thể hơn, đời sống thực có vai trò gì với sáng tác của chị? Quan niệm của chị về “cách kể chuyện”?
Tôi chưa bao giờ đưa bất kỳ chi tiết thực nào vào tác phẩm. Tuy nhiên, đời sống thực chạy qua mắt tôi rồi xâm nhập vô thức vào trong óc và một ngày nào đó xuất hiện dưới một dạng thức khác trong tác phẩm. Vì vậy tôi cho rằng một nhà văn càng có nhiều thực tế càng tốt, song đó chỉ là điều kiện cần, bởi vì cũng có rất nhiều người có thực tế đấy thôi nhưng họ chỉ “nhập” mà không “xuất” được.
Tác phẩm của chị lần đầu xuất hiện trên mạng hay trên báo giấy? Chị suy nghĩ gì về việc in sách? Có người nói đến sự thất thế của báo giấy, sự lên ngôi của báo mạng nhưng bây giờ hình như vị trí đó phải dành cho việc ra sách? Sự xuất hiện như vậy có phải là một dấu hiệu đáng kể của ý thức xuất bản và ý thức văn học Việt Nam đương đại không?
Các tác phẩm truyện ngắn của tôi đều đã được in báo trước khi in sách, rồi sau khi in sách tôi post hết lên mạng cho độc giả cùng đọc. Còn tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” được sáng tác trên mạng trước rồi mới in thành sách. Tôi vẫn cho rằng in sách là quan trọng, không phải vì nó chứng tỏ điều gì mà bởi độc giả vẫn thích đọc sách giấy hơn, vạn bất đắc dĩ mới phải đọc mạng mà thôi. Có tác phẩm nào hay lắm thì họ mới download từ trên mạng rồi cũng in ra giấy xong mới đọc. Đọc trên mạng rất nhức mắt, tư thế đọc bị hạn chế. Nhiều người dự đoán rằng trong tương lai, sách điện tử sẽ thay thế sách giấy, còn tôi cho rằng vĩnh viễn không thể xảy ra điều đó, cũng như người ta không thể chế ra các viên dinh dưỡng để thay thế thức ăn. Ẩm thực có một cái thú riêng của nó, cũng như sách giấy có một thi vị riêng vậy.
Chị quan niệm thế nào về bản năng và ý thức của một người viết? Có một “tiếng gọi” nào thôi thúc chị viết chăng?
Tôi chẳng có “tiếng gọi” nào. Tôi viết mới đầu vì sở thích. Sau những sản phẩm của sở thích ấy được công chúng đón nhận và tôi tập trung vào viết hơn như một nhà văn chuyên nghiệp. Đơn giản vậy thôi.
Về truyền thống và hiện đại, chị nghĩ sao? Chị có nghĩ mình là nhà văn tiên phong không?
Tôi đang theo đuổi một thể loại văn học ít người theo ở Việt Nam, như vậy không biết có phải là tiên phong không?
Sự xuất hiện của một người viết kèm theo một định danh và “trách nhiệm” với cái tên của mình. Chị có ý định theo đuổi văn học lâu dài hay không, hay đó chỉ là một cuộc chơi?
Tôi hy vọng mỗi năm sẽ cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Chừng nào còn “đánh máy” được thì chừng đó tôi còn cho ra đời tác phẩm.
Chị nghĩ thế nào về vai trò của các nhà xuất bản trong việc thúc đẩy chuyển động của văn học Việt Nam? Chị có thấy các nhà xuất bản chạy theo dòng sách thị trường quá không?
Tôi cho rằng các nhà xuất bản hiện nay cũng khá khắt khe trong việc chọn lựa đầu sách. Còn tất nhiên, để thu lợi nhuận, họ vẫn buộc phải xuất bản những cuốn sách thương mại. Song theo tôi sách thương mại và giải trí không có gì xấu, nó đáp ứng một bộ phận độc giả nhất định. Không thể ép buộc mọi người phải đọc một cuốn sách triết lý cao siêu được. Nếu như thị trường sách toàn những cuốn như vậy thì một bộ phận độc giả sẽ không có gì để đọc. Đừng mong chờ rằng sách được giải Nobel sẽ định hướng cho người đọc. Sẽ không bao giờ xảy ra điều đó với một số độc giả.