Khi viết, tôi hiểu tâm lý đàn ông
 
 
Là nhà văn trẻ, nhưng Di Li đang nổi lên văn đàn như một hiện tượng lạ với những tác phẩm như “Điệu valse địa ngục”, “Trại hoa đỏ”, “Tầng thứ nhất”, “Vong hồn trên những cánh đồng chết”… Chị nói, văn học Việt Nam đang có những điểm khuyết. Chị hy vọng những tiểu thuyết trinh thám của mình sẽ bổ khuyến cho những gì mà bạn đọc kỳ vọng. Phóng viên KH&ĐS trò chuyện với nhà văn Di Li về chuyện đời và chuyện nghề.
 
Rất hiểu tâm lý đàn ông
 
Bối cảnh câu chuyện trong tác phẩm, chị lấy từ đâu?
Chất liệu tạo nên bối cảnh, để thể hiện thành công nhân vật cũng không thể nói là mình không có vốn sống, trải nghiệm gì, nếu không có va chạm thì không viết được. Đối với nhà văn khi bắt gặp một chất liệu hiện thực sẽ được chuyển tải, nhập vào trong đầu một cách vô thức và đến lúc nào đó phát ra cũng một cách vô thức, phát ra ở một dạng thức khác. Cũng như chúng ta có những giấc mơ, mơ những điều mà ban ngày không bao giờ nghĩ đến, nhưng rõ ràng đó là những gì mà chúng ta từng gặp, thu nhận nó.
 
Cảm nhận ban đầu về các tác phẩm của chị, chủ yếu thấy bóng dáng, hơi thở của những người đàn ông. Hình như, tác giả  thể hiện nó là người rất yêu đàn ông, thiếu thốn tình cảm, và cũng  đang rất cô đơn?
Có thể đó là một sự vô thức, nhiều khi nhà văn họ không định hình được. Rất nhiều nhà văn chối phăng văn không phải là người, bởi tôi viết nhân vật này không hẳn tôi đã là họ. Nhưng dù thế nào, nó cũng phản ánh cách rất vô thức cái ám ảnh, tư tưởng, khao khát, đam mê của chính mình. Mặc dù tôi là người quảng giao, nhưng lại rất kín đáo, không thích thể hiện, trong cuộc sống cũng không thích chia sẻ những điều thầm kín. Vì thế tôi có một sự lo ngại mơ hồ là khi thể hiện các nhân vật nữ thì sẽ không giấu được một số cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Do đó, tôi thường tập trung vào các nhân vật nam, họ là nhân vật “tôi” chủ đạo. Tất nhiên, tôi không lấy suy nghĩ của con gái để áp đặt vào những nhân vật như vậy, nhưng vẫn có thể thể hiện suy nghĩ của họ. Cũng có thể mình rất hiểu tâm lý của nam giới.
 
Có kinh nghiệm thì đúng hơn?
Nói kinh nghiệm sợ rằng hiểu sang một nghĩa khác, nhưng nhìn chung tôi hiểu tâm lý của nam giới. Tuy nhiên trong một số tình huống đặc biệt, tôi cũng không hiểu tâm lý của người nam sẽ như thế nào. Vì vậy tôi yêu cầu một số người quen tưởng tượng xem trong hoàn cảnh đó học sẽ có cảm giác thế nào. Ví dụ trong “Điệu valse địa ngục”, cậu trai nhảy phải đi lại với rất nhiều người. Muốn biết cảm xúc của người đàn ông trẻ cặp kè với người phụ nữ lớn tuổi như vậy thì phải tham khảo…
 
Điều gì cũng đòi hỏi là thực, đó là nhà văn bất tài
 
Và chị phải “cặp kè” với họ để hiểu được cảm xúc?
Tất cả là hư cấu. Tuy nhiên, nó cũng có một chút thực tế. Tôi cũng hay đi khiêu vũ, và trai nhảy là thành phần không thể thiếu được của các sàn nhảy cổ điển, tất cả cách tôi tả là những gì thấy trong mắt. Có tiếp xúc, nhưng không nhất thiết cứ biến tất cả những chi tiết trong tác phẩm thành hiện thực. Còn nếu như cái gì cũng biến thành hiện thực như vậy thì chết, nếu nhà văn cần hiện thực đến mức như vậy là nhà văn bất tài.
 
Nhưng bạn đọc có cách lý giải khác. Viết về nhân vật nam, nếu chị không ôm họ, không lẳng lơ với họ, chỉ đến vũ trường xem và nghe, chẳng khác gì “quan sát tranh và trả lời câu hỏi”. Độc giả, họ không cần những chi tiết đơn giản như vậy?
Bạn đọc nói chuyện của tôi ngồn ngộn thông tin, trải dài trên các lĩnh vực. Khi viết về hội hoạ, âm nhạc cổ điển, y học… thì những người có chuyên môn họ không hề bắt bẻ câu từ của mình. Chắc họ hài lòng với cách thể hiện vấn đề chuyên môn bằng góc nhìn văn học. Với các chủ đề như nghiện ma tuý, đồng tính, tôi viết thật đến mức mà có người từng hỏi tôi đã từng thử nghiệm ma tuý chưa. Đơn giản vì tôi diễn tả cảm giác của họ như thật. Văn học là như vậy, với lại người nào có nghề của người đó.
 
Chị thích nhất điều gì ở đàn ông?
Tôi không biết như thế nào, khi viết tôi thường cho mẫu nhân vật nam có vẻ bề ngoài lạnh lùng nhưng có tâm hồn cuồng nhiệt, chấp nhận hy sinh cho bản thân, cho bạn bè, lý tưởng và tình yêu của cuộc đời mình.
 
Chuyện riêng tư, nhất quyết không chia sẻ
 
Ngoài đời, kiếm tìm mẫu người đàn ông theo tiêu chí mà chị nói, khó hay dễ?
Tôi thuộc cung Song Tử, trong chiêm tinh học có câu rất đúng là người Song Tử tìm thấy được điều thú vị ở tất cả những người đàn ông mà cô ta gặp, nhưng cô ta lại bất hạnh vì luôn muốn tìm một người đàn ông hội tụ tất cả những điểm như thế.
 
Điều chị ghét nhất ở người phụ nữ?
Có lẽ là tính yếu đuối. Vì thế nên trong các tác phẩm, tôi không cho xuất hiện những người phụ nữ yếu đuối vào đó.
 
Xinh  đẹp, có bao giờ  chị nhận được lời đề nghị khiếm nhã nào chưa?
Tất cả những người đàn ông tôi gặp, họ đều nói rằng thường đàn ông gặp phụ nữ hay nảy sinh tà ý, nhưng đối với tôi thì tất cả đều sợ. Và tôi thấy họ nói đúng, tất cả những người đàn ông gặp tôi họ đều nghiêm túc, mặc dù tôi rất … cởi mở.
 
Chị nghĩ như thế nào nếu chứng kiến một người phụ nữ nào đó ngoại tình?
Tôi không can thiệp vào những chuyện như thế. Chỉ đến khi tôi có quyết định gì thì lúc đó mới nói đúng sai.
 
Mong chị đừng giận với câu hỏi rất thật. Đã khi nào chị có ý định ngoại tình chưa?
Cái này thì … thực ra là một câu hỏi riêng tư. Tôi cũng nói với bạn bè là không bao giờ chia sẻ những điều riêng tư, đối với cả bạn bè thân nhất, và kể cả chồng.
 
Vậy có thể hiểu là có cũng được, mà không cũng được?
Tôi từ chối trả lời câu hỏi này vì những gì riêng tư thì tôi không chia sẻ với người khác.
 
Nhưng người đọc, họ nói nhân vật trong vài tác phẩm của chị có sức sống mãnh liệt, thậm chí toát lên vẻ nhục dục. Chuyện ngoại tình, nếu nhìn chị qua chính nhân vật trong tác phẩm của mình…?
Tôi có nhiều tác phẩm nói về chủ đề ngoại tình, và tôi nghĩ đó là chuyện có trong xã hội. Những chuyện khác cũng rất phổ biến như cờ bạc, nghiện hút … Tuy nhiên, thái độ của tôi về chuyện này là rất khác nhau. Tất nhiên tôi không nêu chính kiến, bởi cái đó tuỳ sự cảm nhận và “kết luận” của độc giả.
 
Cảm giác của chị như thế nào khi chứng kiến chàng trai trẻ phải làm “nhiệm vụ” xoa lưng cho người phụ nữ 50 tuổi, một cảnh ngoại tình mà chị gặp?
Lần đầu tiên thấy cảnh như vậy tôi cũng hơi ngạc nhiên và buồn cười nữa, nhưng sau nhiều lần chứng kiến tôi cũng thấy nó quen dần, và thấy đó là yếu tố hấp dẫn để đưa vào tác phẩm. Tôi chơi với rất nhiều người, trong đó có thể có người nghiện, đồng tính, và cả ngoại tình. Nhưng có lẽ, cuộc đời đã dạy cho mình sự bàng quang, nên không có quan điểm với những chuyện tương tự như vậy. Đấy chỉ là một phần của xã hội.
 
Chị nhìn đàn ông bằng con mắt của nhà văn hay của người phụ nữ?
Trước khi trở thành nhà văn tôi cũng là người phụ nữ bình thường, những tâm lý về đàn ông tôi đã định hình từ lúc lên bốn tuổi chứ không phải khi mới trở thành nhà văn thì mới quan sát họ. Từ lúc lên bốn tuổi, tôi đã có định hình rõ nét về chuyện giới tính. Lúc đó tôi đã biết rất rõ sự khác biệt giữa nam và nữ.
 
Thưa chị, nếu từ đầu cuộc nói chuyện đến giờ mà cứ đề cập đến yêu đương, giới tính, sự lẳng lơ, ngoại tình, về mối quan hệ trai gái, chị nghĩ người đàn ông đó có đứng đắn không?
Thực ra tôi chưa gặp người đàn ông nào như thế. Tuy nhiên, nếu tự nhiên mới gặp tôi mà cứ nói như vậy chắc là người không bình thường.

Xin cảm ơn chị!
Việt Hưng (thực hiện)