Điệu Valse địa ngục
Không có nhiều điểm chung cả trong cốt truyện lẫn giọng điệu kể, những truyện ngắn trong tập “Điệu valse địa ngục” thoạt nhìn, như những củ “khoai tây” (lấy một ý trong tập truyện) rời rạc, đứng cạnh nhau chỉ bởi một lý do: là những truyện ngắn mới nhất của cây viết trẻ đang thì “sung sức”. “Củ” thì lăn về phía truyện trinh thám kinh dị - thể loại “đang lên” của trào lưu sáng tác văn học trên mạng; “củ” khác lại theo xu hướng của những cây bút nữ trẻ thế hệ 8X nói nhiều hơn đến sex, đến những bế tắc của người trẻ… Sự đa dạng có phần phân tán trong cách viết ấy dễ khiến người ta có cảm giác người viết “sung sức” quá, sung sức đến mộng mị, đến nỗi bị những ý tưởng, những ngóc ngách của đời sống cuốn đi, không dừng lại được - một ưu điểm cũng là nhược điểm chung của nhiều cây viết trẻ hiện nay. Nhưng rồi, khi đã cầm sách lên, đọc đến truyện thứ 2, thứ 3, người ta đã nhận ra rằng: đằng sau sự đa dạng trong bút pháp, trong tư duy kể truyện, Di Li là một khuôn mặt văn chương dễ nhận và khó lẫn.
Qua 10 truyện ngắn, “Điệu valse địa ngục” dẫn người đọc vào một xã - hội - động, xã - hội - đô - thị với đầy ắp những gương mặt, ngồn ngộn chi tiết. Nơi ấy, người ta gặp đủ mọi thành phần trong xã hội, từ những anh luật sư sợ nghe sự xúi bẩy của con tim, những kẻ bán thân kiếm sống đến những anh trí thức kiểu “khoai tây”… Nơi ấy, người ta được nghe nhiều câu chuyện: một vụ án không rõ trắng đen; một mối quan hệ nhân sinh bi hài; một cuộc tìm kiếm bản thân loay hoay đến vô vọng của người trẻ… Di Li nhìn cuộc sống thật nhưng không gay gắt, cũng chẳng giả bộ khoác lên mình cái thờ ơ của một kẻ ngạo đời. Chất nữ tính vì vậy hiện lên chẳng chút giấu diếm trong mỗi trang viết của cô.
Thẳng thắn mà nói, mỗi truyện ngắn của Di Li đều đầy ắp chi tiết, đầy ắp hành động nhưng dường như người viết lại chẳng mặn mà lắm trong việc chăm chút các chi tiết ấy. Thế nên, các chi tiết trong truyện của Di Li dễ khiến người ta có cảm giác quen, có cảm giác đã đọc, đã gặp ở đâu rồi. Nhưng cũng chính ở đây, thế mạnh của người viết được bộc lộ. Đó là một khả năng dẫn dụ tài tình của người viết làm chủ ngòi bút, biết tiết chế và nhất là biết dừng lại lúc nào cho đúng, cho đắt. Nếu để kể, chuyện của Di Li chẳng có gì nhiều để kể, nhưng nếu để đọc, chắc chắn người ta sẽ theo truyện tới dòng cuối cùng. Điều này đúng với cả trường hợp của truyện ngắn “Điệu valse địa ngục” dù nó được viết theo lối của một câu chuyện trinh thám. Có cảm giác cô kể chuyện như một người đi dạo, lang thang trong thành phố của mình, chậm rãi, nhưng bất chợt, nếu cô dừng lại, người ta sẽ không thể không nghĩ, không thể không day dứt bởi ở bước dừng đó thấm đẫm những triết lý về cuộc đời. Có lẽ vì vậy, Di Li hầu như không bao giờ đặt một kết thúc đóng cho truyện của mình kể cả trong truyện vụ án. Khi trang sách đã khép lại, nhân vật của cô vẫn đứng đó, lang thang, thẫn thờ, vô định trong một nỗi băn khoăn không dứt của kiếp nhân sinh…
Trà Giang