Viết văn là một nghề nhọc nhằn
 
 
Trong số những nhà văn trẻ trên văn đàn hiện nay, Di Li là một cái tên mới với giọng văn khác biệt. Khác biệt ở đây không chỉ vì cô viết về thể loại truyện trinh thám kinh dị, mà ở lối hành văn đầy lôi cuốn. Xuất thân từ một cô giáo dạy ngoại ngữ, Di Li đến với văn chương như một cuộc chơi nghiêm túc. Ra đời sau cuốn thứ nhất “Tầng thứ nhất” khoảng 3 tháng, “ Điệu Valse địa ngục” là tập truyện ngắn tiếp theo vẫn với phong cách viết nhuốm màu ma mị, lối văn tỉnh và sắc của một người quan sát tinh tế. Trẻ trung, năng động và đầy nữ tính là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với cô.  
 
Chào chị, được biết chị đang viết tiểu thuyết trinh thám kinh dị với tựa đề “Trang trại” gồm 10 chương, đang được post lên blog, đây là cách làm mới của những nhà văn trẻ hiện đại, chị có nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc không?
Nhìn chung đã có những độc giả theo suốt các phần của truyện. Lâu lâu không thấy tôi post lên đúng hẹn, họ còn giục tôi viết tiếp các phần sau. Tôi tiếp thu tất cả những ý kiến của độc giả. Và cho đến giờ tôi thấy rằng việc tương tác giữa tác giả và độc giả thế này thật là tiện ích. Tôi từng phát hiện ra vô số “lỗi” cả về logic và kiến thức thực tế của nhiều nhà văn bạn bè. Họ nói rằng lần tái bản sau họ sẽ sửa, nhưng giả dụ như nếu có hàng trăm hàng nghìn độc giả cùng “soi” vào lỗi của ta ngay từ lúc chưa phát hành thì có tốt hơn không.
 
Phải chăng để tìm con đường riêng cho mình mà chị đến với thể loại trinh thám kinh dị, hay chị không đủ tự tin để viết các thể loại truyện khác?
Đúng là đi sâu vào thể loại này khiến tôi tự tin hơn, vì khi sáng tạo, chưa lúc nào tôi cảm thấy mình hết thăng hoa. Còn các thể loại khác, tôi cũng đã viết đấy thôi, với đủ mọi đề tài, nhưng sau này thì tôi tự xác định cho mình một con đường riêng.
 
Chọn cho mình một thể loại riêng độc đáo, phải chăng như vậy sẽ dễ nổi tiếng hơn?
Nổi tiếng có nhiều cách, đâu cần phải chọn một cách nhọc nhằn như thế. Nhọc nhằn thứ nhất là rất nhiều báo từ chối in truyện kinh dị của tôi. Có người biên tập còn nói thẳng rằng rất thiện chí in bất kỳ truyện nào của tôi nhưng viết phải “dung dị” thôi. Nhọc nhằn thứ hai là mới đầu tôi vấp phải vô số sự phản đối khi đi sâu vào thể loại này, khi mà nhiều người cho rằng đây là văn học hạng hai. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của người viết chứ. Nhọc nhằn thứ ba là tôi bắt đầu đi vào thể loại cần đến một lượng kiến thức mà tôi hoàn toàn không có. Ví dụ khi viết có một đoạn vài trăm chữ trong Điệu Valse địa ngục, tôi phải nghiền ngẫm vài cuốn sách luật hình sự mà có cuốn dày gần nghìn trang. Chưa kể kiến thức về hình sự học, y học, lịch sử, địa lý… liên quan mật thiết đến thể loại trinh thám hoàn toàn không phải những gì tôi đã được tiếp cận. Tóm lại nếu chỉ để đơn thuần là mong nổi tiếng, người ta có vô số cách đỡ phức tạp hơn.
 
Viết thể loại trinh thám kinh dị thì phải có một trí tưởng tượng nhạy bén và am hiểu tâm lý độc giả, chị có tự tin là truyện của mình đủ lôi cuốn để hấp dẫn bạn đọc của mình theo từng tình tiết?
Tôi hy vọng Trang trại sẽ là một tiểu thuyết trinh thám kinh dị lôi cuốn. Nhưng sự ủng hộ nhiệt thành của các độc giả mạng hiện nay vẫn chưa nói lên điều gì. Sự đánh giá sẽ phải chờ khi tác phẩm phát hành xong. Bản thân tôi cho rằng trinh thám kinh dị tự nó đã là một thể loại hấp dẫn. Nếu như tác giả biết cách thể hiện đúng nghĩa một tác phẩm thuộc thể loại này, anh ta sẽ thành công.
 
Kỹ năng đặt tựa là cả một vấn đề, đôi khi nó lột tả gần như trọn vẹn ý tưởng hoặc chủ đề của truyện, vậy mà tên truyện của chị rất giản dị, sao chị không tìm cho những đứa con tinh thần của mình một cái tên bóng bảy và hấp dẫn hơn?
Tôi thừa nhận rằng kỹ năng đặt tiêu đề của mình rất kém. Vì vậy, tôi cũng đang mong chờ độc giả mạng suy nghĩ cho tôi một nhan đề hấp dẫn hơn Trang trại.
 
Được biết chị đang làm giám đốc mảng quảng cáo cho một công ty du lịch, con người một Di Li trong văn chương khác với Di Li trong kinh doanh thế nào?
Tôi đã tham gia lĩnh vực thương mại từ 10 năm nay và trong thời gian đó vẫn song hành viết lách nhưng bản thân không thấy có gì khác biệt. Làm bất cứ công việc gì tôi cũng đều phải tính toán sao cho sản phẩm làm ra vừa đúng tiến độ mà vẫn đạt chất lượng tốt phù hợp với công chúng.
 
Giữa ý kiến của độc giả, và ý kiến của nhà phê bình, chị quan tâm đến ý kiến của ai hơn?
Đôi khi nhận định của hai đối tượng này không gặp nhau. Nhưng thông thường thì một chuẩn mực về giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật rất dễ nhận ra. Nói nôm na là hay hay đẹp, xấu hay dở thì ai cũng nhận ra cả thôi. Các nhà phê bình cũng chính là độc giả đấy thôi, nhưng là độc giả đặc biệt. Độc giả đặc biệt thì khó tính hơn. Tôi tôn trọng ý kiến của tất cả những ai có nhã ý đọc truyện của tôi.
 
Ly Ly